THẮM TÌNH ĐOÀN KẾT QUÂN - DÂN (*): Đi dân nhớ, ở dân thương

Những việc làm ý nghĩa của người lính trong thời bình là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của 'Bộ đội Cụ Hồ', kết tinh thành sức mạnh của quân đội ta

Qua 10 năm được bộ đội giúp đỡ, đời sống của đồng bào dân tộc Mày, Rục, Bru-Vân Kiều ở các xã vùng biên giới của tỉnh Quảng Bình đang thay đổi từng ngày.

Thay đổi diện mạo vùng biên

Bản K-Ai là địa bàn vùng biên giới còn rất nhiều khó khăn thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây là bản làng của người Mày sống dưới chân dãy Giăng Màn hùng vĩ. Trước đây, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, chủ yếu dựa vào săn bắt, đốt rừng làm rẫy và luôn trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước.

Với quyết tâm thay đổi cuộc sống người dân vùng biên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình triển khai thí điểm mô hình trồng lúa nước. Ngay vụ đầu tiên, năm 2013, BĐBP tỉnh Quảng Bình triển khai dự án trồng lúa nước với diện tích 5 ha tại bản K-Ai. Các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã tận tâm hướng dẫn đồng bào dân tộc Mày từ việc cày đất, ngâm ủ hạt giống đến kỹ thuật chăm bón. Đến kỳ thu hoạch, BĐBP còn cử lực lượng, đưa phương tiện xuống tận những cánh đồng ở bản K-Ai giúp người dân thu hoạch lúa.

Vụ hè thu năm 2024 đánh dấu mốc hơn 10 năm mô hình lúa nước ở bản K-Ai, với năng suất đạt 4 tấn/ha. Qua 20 vụ mùa, từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ, nay đồng bào đã tự lực xuống đồng, thành thạo quy trình canh tác.

Bà Hồ Thị Giót và hàng chục hộ dân tộc Mày ở bản K-Ai trước đây chỉ biết vào rừng hái măng, bẫy thú thì nay đã thành thạo việc xới đất, ủ giống, bón phân, chăm sóc cây lúa. Mỗi năm, gia đình bà Giót thu hoạch 2 vụ lúa, không còn lo thiếu đói mỗi mùa giáp hạt. Phụ phẩm từ cây lúa nước còn giúp gia đình bà phát triển chăn nuôi. Chính vì vậy, kinh tế gia đình bà Giót ngày một khấm khá. "Bộ đội dạy cách trồng cây lúa nước, cách cầm liềm cắt lúa. Bây giờ cuốc, gieo, gặt, máy cày, máy tuốt tôi sử dụng thành thạo lắm rồi. Nhờ bộ đội đưa lúa nước về nên cuộc sống của bà con dân bản có nhiều đổi thay" - bà Giót bộc bạch.

Ông Hồ Hùng, Trưởng bản K-Ai, khoe với 2 vụ lúa/năm và năng suất trung bình gần 4 tấn/ha, 138 hộ dân tại bản K-Ai đã có nguồn lương thực bảo đảm quanh năm. Nhiều gia đình còn dư gạo dự trữ và phát triển chăn nuôi gia súc. Người dân bước đầu biết làm kinh tế, tạo thu nhập. Tất cả là nhờ sự quan tâm giúp đỡ tận tình của BĐBP. "Dân làng chúng tôi rất quý bộ đội. Thanh niên trai tráng còn theo các anh tuần tra, giữ gìn mốc giới, bảo vệ sự bình yên thôn bản" - ông Hùng nói.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình xuống đồng giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình xuống đồng giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ở đâu dân khó, ở đó có bộ đội

Ở Kiên Giang, ngày 28-4 vừa qua, xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành. Dưới cái nắng gay gắt, chẳng mấy chốc đám cháy lan nhanh.

Trước tình hình khẩn cấp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu rừng. Đại tá Lê Hoàng Vũ, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, nhớ lại suốt 96 giờ liên tục chữa cháy không ngừng nghỉ, các chiến sĩ thay phiên nhau vừa ăn vội cơm hộp, bánh mì vừa chữa cháy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhờ vậy, hàng ngàn hecta rừng được cứu khỏi "giặc lửa".

Cũng theo đại tá Lê Hoàng Vũ, phát huy tinh thần xung kích, "ở đâu dân khó, ở đó có bộ đội", lực lượng cán bộ, chiến sĩ chính quy và dự bị của đơn vị tích cực tham gia giúp người dân khắc phục thiệt hại, hạn hán, dịch bệnh.

Còn đại tá Cao Minh Tâm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, cho hay trong mùa hạn hán kéo dài vừa qua, hàng ngàn hộ dân vùng biên giới, hải đảo Kiên Giang thiếu nước ngọt và nước sinh hoạt trầm trọng. Để đưa nước đến được từng hộ dân trên những địa bàn hiểm trở, cán bộ, chiến sĩ đã khiêng từng phuy nước len lỏi trong từng ngõ ngách. "Dù khó khăn, vất vả nhưng ai cũng vui mừng khi đưa được nước đến với người dân vùng khô hạn" - đại tá Cao Minh Tâm nói.

Cà Mau cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô vừa qua. Hàng ngàn hộ dân phải sống trong tình cảnh thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trước những khó khăn mà đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn đang đối mặt, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã lên kế hoạch và điều động 3 tàu trọng tải lớn vận chuyển hơn 1.700 m3 nước ngọt cung cấp miễn phí cho người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Khi người dân tập trung đến địa điểm cấp nước ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, các chiến sĩ vác từng bình nước lọc đặt cẩn thận lên xe máy của người dân. Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) bày tỏ: "Người dân biết ơn, ghi nhớ mãi những việc làm ý nghĩa của bộ đội. Bởi vậy, mỗi khi thấy bộ đội về giúp dân thì ai đấy đều rất vui, xem như người thân của mình".

Trên khắp mọi miền đất nước, hằng ngày, những việc làm ý nghĩa như thế của bộ đội thắt chặt thêm tình quân - dân đoàn kết keo sơn, gắn bó. Đó cũng chính là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".

Bộ đội thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang ăn vội cơm hộp trong lúc chữa cháy rừng ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: DUY NHÂN

Bộ đội thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang ăn vội cơm hộp trong lúc chữa cháy rừng ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: DUY NHÂN

Chung tay giảm nghèo bền vững

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình, nhấn mạnh bên cạnh nhiệm vụ chính trị, đơn vị đã triển khai thành công 4 mô hình lúa nước hiệu quả dành cho đồng bào vùng biên giới. Trong đó, mô hình sản xuất lúa nước tại bản K-Ai giúp người dân giải quyết thiếu đói một cách triệt để.

Ngoài ra, nhiều mô hình của đơn vị như: nuôi gà bán chăn thả, trồng gừng, nghệ, phát triển rừng kinh tế… đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi tập quán sản xuất, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững.

(Còn tiếp)

__________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-12

HOÀNG PHÚC - DUY NHÂN - VÂN DU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tham-tinh-doan-ket-quan-dan-di-dan-nho-o-dan-thuong-19624121821462534.htm
Zalo