Từ điểm đen ô nhiễm môi trường, 'lột xác' thành làng nghề di sản văn hóa quốc gia
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa nghề thủ công truyền thống làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điều đáng ghi nhận, ngôi làng này từ nhiều năm trước từng là 'điểm đen' ô nhiễm môi trường của tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế).
Một thời ô nhiễm
Những ngày cuối năm Giáp Thìn 2024, tin vui đến với làng nghề bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) khi nơi đây vừa được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ký quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trước đó, làng bún Vân Cù từng được UBND tỉnh TT-Huế công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh vào năm 2014.
Từ một “điểm đen” ô nhiễm buộc cơ quan chức năng của thị xã Hương Trà và tỉnh TT-Huế phải vào cuộc tìm giải pháp xử lý môi trường, nay làng nghề bún hơn 500 năm Vân Cù đã thực sự “lột xác” trở thành làng nghề di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch Hội làng nghề bún Vân Cù, người có nhiều năm gắn bó với nghề bún nhớ lại, khoảng 15 năm trước, tuy sản phẩm bún của địa phương đã vươn ra khỏi lũy tre làng, có mặt tại nhiều nơi trong tỉnh TT-Huế, nhưng nơi đây lại luôn mang tiếng là ngôi làng ô nhiễm. Công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu xử lý nước thải không được chú trọng, nên tình trạng ô nhiễm cứ kéo dài và dần trở nên nghiêm trọng.
“Ngày ấy, những ai từ ngoài xã Hương Toàn hễ vừa về đến đầu làng Vân Cù đã cảm nhận được mùi thối, mùi chua của nước rửa gạo thải ra môi trường, không qua xử lý bốc lên từ những cơ sở sản xuất bún của người dân. Nước thải từ các lò bún không được thu gom xử lý, cứ chảy lênh láng dọc các tuyến mương hai bên đường, các ao tù nổi màu đen đục, bốc mùi rất khó chịu. Vậy nên, cửa nhà dân lúc nào cũng phải khóa kín mít mà vẫn không ngăn nổi mùi hôi”, một người dân làng Vân Cù nhớ lại.
Không chỉ ô nhiễm không khí, trong làng còn xảy ra tình trạng người dân dân mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da. Tuy nhiên, vì để duy trì “cần câu cơm” từ nghề sản xuất bún, người dân Vân Cù chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
Năm 2012, với quyết tâm khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại làng nghề bún Vân Cù của chính quyền xã Hương Toàn gắn với khôi phục làng nghề truyền thống, từ hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh TT-Huế, địa phương được đầu tư nguồn vốn thực hiện dự án xử lý nước thải vệ sinh môi trường làng nghề.
Bằng sự hỗ trợ này, 100 % số hộ dân làng nghề sau đó tiến hành xây dựng hệ thống lắng, lọc nước xả từ làm bún trước khi thải ra khu vực xử lý, cùng với đó là hệ thống biogas tạo chất đốt thân thiện môi trường. Từ đó, sản phẩm bún truyền thống Vân Cù không còn mang tiếng được sản xuất tại khu vực ô nhiễm. Đây cũng là động lực để hồi sinh và phát triển mạnh mẽ làng nghề truyền thống bún Vân Cù nổi tiếng.
Bên cạnh vận động người dân chấp hành bảo vệ môi trường từ sản xuất bún, chính quyền xã Hương Toàn còn phát động nhiều đợt thu gom rác thải, nhất là rác thải nhựa, chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất bún. Với những quyết tâm và bằng nhiều giải pháp được triển khai, vấn nạn ô nhiễm môi trường nước, không khí tại làng bún Vân Cù dần bị đẩy lùi.
Sức sống mới
Hiện nay, làng nghề bún truyền thống Vân Cù có khoảng 135 cơ sở sản xuất, cung cấp bún ra thị trường các nơi. Nhiều quán ăn, nhà hàng tại TP. Huế đã lựa chọn nguyên liệu bún Vân Cù để tạo nên tô bún bò Huế đặc trưng thơm ngon phục vụ người dân và du khách thập phương khi đến tham quan Cố đô. Làng nghề Vân Cù đã có những bước chuyển mình về đầu tư áp dụng công nghệ mới, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo xử lý tốt về môi trường, tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, với hơn 90 cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất bún truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Phú cho biết, trước đây, toàn bộ quy trình làm bún đều bằng tay, mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng sản phẩm làm ra ít và dễ gây ô nhiễm môi trường, khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Ngày xưa, làm bún là một nghề công phu và rất vất vả. Khi làm bún cần phải có chày, cối để xay gạo, giã bột; sợi bún tạo ra từ khuôn vặn bằng tay cho năng suất sản xuất rất thấp, bún nấu bằng lò đun củi gây ô nhiễm không khí”, ông Phú kể.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao từ thị trường, với năng suất sản xuất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giải phóng sức lao động, nhiều gia đình tại Vân Cù đã đầu tư cả 100 triệu đồng để trang bị máy móc hiện đại, sản xuất bún theo dây chuyền khép kín. Yếu tố công nghiệp đảm trách những khâu sản xuất chính, nhưng để đảm bảo sợi bún có độ thơm, dai, ngon đặc trưng, người dân Vân Cù vẫn áp dụng những công đoạn thủ công và dùng các bí quyết của làng nghề.
Người dân nơi đây chia sẻ, quá trình ngâm gạo xay thành bột, cần cho thêm một lượng muối hạt sống vừa phải để bún khi thành phẩm bớt bị chua, giúp sợi bún ngon, đậm đà hơn. Để sợi bún không quá bở cũng không quá dai, người sản xuất phải pha thêm bột lọc (tinh bột sắn) và “nói không” với hóa chất, chất bảo quản...
Hiện nay, mỗi ngày, các cơ sở sản xuất tại Vân Cù cung cấp cho thị trường khắp tỉnh TT-Huế hàng chục tấn sản phẩm bún các loại. Mỗi hộ sản xuất bình quân từ 2-3 tạ bún. Thậm chí, có hộ còn cho ra lò mỗi ngày từ 5-6 tạ bún. Với sức sống mới của làng nghề, doanh thu từ sản xuất bún trong năm 2023 vừa qua của làng Vân Cù đạt trên 110 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ xây dựng bún Vân Cù là sản phẩm chủ lực của địa phương theo chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP.
"Địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân luôn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại kết hợp kinh nghiệm truyền thống nhằm tạo thêm các sản phẩm bún đa dạng cung cấp cho thị trường trong tỉnh và mở rộng tiêu thụ đi các nơi, với mong muốn quảng bá, đưa Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia làng nghề bún Vân Cù vươn xa hơn nữa". - ông Nguyễn Hồng Toàn -