80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành những 'sứ giả hòa bình'
Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ còn Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phát huy truyền thống Quân đội anh hùng và tinh thần quốc tế trong sáng, hơn 10 năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam đã góp phần lan tỏa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình đến bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, chia sẻ: Đến nay, hình ảnh người chiến sĩ mũ nồi xanhđã và đang có sức lan tỏa rất lớn không chỉ đối với người dân trong nước, mà còn đối với cả bạn bè quốc tế và người dân địa phương các nước có lực lượng của ta triển khai.
Việt Nam dân tộc yêu chuộng hòa bình
. Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, việc thành lập Trung tâm GGHB Việt Nam, nay là Cục GGHB Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với đất nước ta?
+ Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng: Tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện vị trí, vai trò, uy tín và trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh và hòa bình thế giới; gắn với quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Vì vậy, nhiều năm qua, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chắc chắn trong tham gia hoạt động GGHB LHQ, thể hiện Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, góp phần bảo vệ hòa bình ổn định của khu vực và trên thế giới.
Kết quả tham gia hoạt động GGHB LHQ góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là đóng góp vào kết quả bỏ phiếu cho Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục 192/193 phiếu.
. Thiếu tướng có thể chia sẻ một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình hình thành, phát triển lực lượng GGHB Việt Nam?
+ Trước tiên là nói về thuận lợi. Thứ nhất là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thủ trưởng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với lực lượng GGHB Việt Nam và Cục GGHB Việt Nam. Nhờ đó, chúng ta đã điều chỉnh lại được biểu biên chế cho phù hợp với công tác xây dựng lực lượng cũng như công tác triển khai, công tác chỉ đạo lực lượng tại phái bộ.
Thứ hai là sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là thông qua Tổ công tác liên ngành và Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc triển khai lực lượng tham gia GGHB Liên hợp quốc. Thứ ba là cục luôn được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân ủng hộ, cung cấp những cán bộ, những quân nhân có những phẩm chất, năng lực cũng như trình độ chuyên môn và sức khỏe tốt, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc.
Thuận lợi tiếp theo, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ tốt, bảo đảm chuẩn bị lực lượng tốt nhất tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc ở cả hình thức cá nhân và đơn vị.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn do đây là một lực lượng mới, một lĩnh vực hoàn toàn mới. Khó khăn trước tiên là vấn đề ngôn ngữ. Trước khi được triển khai tới địa bàn thì lực lượng triển khai phải có trình độ về ngoại ngữ đạt tối thiểu 5.5 IELTS theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Khó khăn thứ hai là vấn đề bảo đảm sức khỏe khi làm việc tại môi trường đa quốc gia, địa bàn hoàn toàn mới, có những thách thức về an ninh, dịch bệnh. Khó khăn thứ ba là trình độ của cán bộ còn chưa đồng đều.
Do vậy, trong quá trình triển khai lực lượng, chúng tôi phải sàng lọc thường xuyên để làm sao lựa chọn được những cán bộ tốt nhất, đủ phẩm chất chính trị, đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc.
Một khó khăn nữa có lẽ cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý lực lượng được triển khai, đặc biệt là đối với các đồng chí nữ quân nhân. Đó là điều kiện làm việc xa nhà, ở những nơi còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, có thể nói chúng tôi rất tự hào về đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình. Các đồng chí luôn thể hiện một quyết tâm cao, luôn vững vàng, yên tâm công tác và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai lực lượng tới địa bàn, Đảng ủy, chỉ huy Cục GGHB Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về chính sách hậu phương, đặc biệt là đối với các đơn vị như BV dã chiến cấp 2 và Đội Công binh.
Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao
. Những thành quả nổi bật đã đạt được trong 10 năm qua là gì, thưa Thiếu tướng?
+ Từ tháng 6-2014 đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, quân đội đã cử hơn 1.000 lượt cán bộ, nhân viên và công an cử 13 sĩ quan đi làm nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở Liên hợp quốc.
100% lực lượng tham gia đều thể hiện tốt vai trò
Tại Cục GGHB Việt Nam, hằng năm chúng tôi triển khai hàng chục khóa huấn luyện quốc tế, tiếp nhận hàng trăm học viên quốc tế và giảng viên quốc tế đến tham gia huấn luyện và học tập. Trong công tác huấn luyện, chúng tôi cũng phối hợp với các đối tác quốc tế để cử cán bộ của ta tham gia các khóa tập huấn luyện, các khóa bồi dưỡng kiến thức tại nước ngoài, giúp tăng cường trình độ chuyên môn cho mỗi cán bộ khi tham gia hoạt động GGHB LHQ, đặc biệt là ở các vị trí cá nhân.
Đến nay, 100% đồng chí tham gia GGHB LHQ theo hình thức cá nhân đều khẳng định được vai trò cũng như năng lực, tính chuyên nghiệp của quân nhân Việt Nam.
Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ còn Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là tính thích ứng nhanh trong môi trường làm việc đa quốc gia tại các phái bộ. Với kết quả đó, Liên hợp quốc đã mời Việt Nam cử nhân sự ứng cử vào các vị trí cao như Phó Tư lệnh lực lượng quân sự Phái bộ Nam Sudan, tư lệnh lực lượng quân sự phân khu, Phái bộ Nam Sudan.
. Để bảo đảm lực lượng GGHB Việt Nam luôn sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ tại phái bộ LHQ, công tác huấn luyện cũng rất quan trọng, điều này được thực hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?
+ Trung tâm huấn luyện của Cục GGHB Việt Nam đã được bạn bè quốc tế, đặc biệt là lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá rất cao. Tháng 6-2018, Liên hợp quốc đã chính thức công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong bốn trung tâm huấn luyện quốc tế mạnh ở khu vực, triển khai huấn luyện theo chương trình đối tác ba bên.
Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Học viện Quân y, BV Quân y 175, Binh chủng Công binh và nhiều đơn vị trong toàn quân.
Khi trở thành một phần của lực lượng tham gia GGHB Liên hợp quốc, các đồng chí phải có một trình độ chuyên môn nhất định và qua các kỳ thi sát hạch tại các đơn vị. Ví dụ, trước khi tập trung về Cục GGHB Việt Nam, các đồng chí trong đội hình Đội Công binh đã trải qua sáu tháng tập huấn chuyên môn. Lực lượng của Học viện Quân y và BV Quân y 175 cũng đều được huấn luyện sáu tháng trước khi về cục. Tiếp sau đó, tại Cục GGHB Việt Nam, các đơn vị đều phải qua ba tháng huấn luyện tiền triển khai theo các quy định của Liên hợp quốc.
Về nội dung huấn luyện, ngoài chuyên môn, chúng tôi còn huấn luyện, trang bị cho các quân nhân kiến thức về GGHB Liên hợp quốc, luật quốc tế, luật nhân đạo, các quy định của nước sở tại, luật pháp Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc, chính trị tư tưởng, bảo đảm khi các đồng chí lên đường là đã được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết.
. Xin cảm ơn Thiếu tướng.
Việt Nam chủ động đóng góp vào sứ mệnh chung của Liên hợp quốc
Việt Nam luôn khẳng định vai trò Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Đồng thời, nỗ lực trở thành đối tác tin cậy có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu vì lợi ích chung của các dân tộc vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù còn khó khăn về nguồn lực, Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và khuyến khích, chia sẻ kinh nghiệm trong trình độ phát triển khoa học - công nghệ còn khiêm tốn.
Việt Nam cũng nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bảo đảm, thúc đẩy quyền con người theo chuẩn mực quốc tế.
Chia sẻ trách nhiệm quốc tế với LHQ chính là chúng ta kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển đất nước. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tạo tiền đề quan trọng để đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
QĐND Việt Nam cũng tích cực tham gia các cơ chế diễn đàn đa phương như đối thoại quốc phòng, tinh thần sẵn sàng hợp tác trong xử lý an ninh phi truyền thống trong khu vực. Tham gia đầy đủ các cuộc diễn tập hải quân đa phương.
Việc QĐND Việt Nam tham gia vào các hoạt động đối ngoại đa phương là biểu hiện sinh động về trách nhiệm; tham gia đóng góp, khởi động, định hình các cơ chế, diễn đàn trong khu vực góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Việc cử các lực lượng GGHB của Việt Nam là thông điệp đến bạn bè quốc tế “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Các chiến sĩ mũ nồi xanh ở châu Phi. Ảnh: N.ĐẢM
Đơn cử các đơn vị công binh của Việt Nam tại khu vực Abyei và BV dã chiến cấp 2 tại Cộng hòa Nam Sudan đã giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương như tham gia xây dựng đường; làm mới, nâng cấp và sửa chữa hàng trăm kilomet đường giao thông chính của phái bộ, các tuyến đường huyết mạch, tuần tra bảo đảm an ninh.
Các đơn vị tổ chức cứu kéo phương tiện trong mùa mưa, nhất là cứu kéo các phương tiện của LHQ, chủ yếu là xe chở xăng dầu, thực phẩm và xe tăng của LHQ; ô tô của người dân địa phương.
Các đơn vị tham gia xây dựng sân bay dã chiến cho máy bay hạng nặng MI26 cất, hạ cánh. Cải tạo lớp học, tổ chức dạy học tình nguyện, khoan giếng nước tặng dân cư địa phương và các trường học; tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân.
Việt Nam còn đảm nhiệm huấn luyện y tế cho các đơn vị bộ binh của các nước như Mông Cổ, Ghana, công binh Pakistan về kỹ thuật cấp cứu cơ bản, chuyển thương, các bệnh truyền nhiễm… đã góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương và phái bộ, tạo niềm tin, uy tín cho lực lượng GGHB Việt Nam.
Những kết quả đạt được trong hoạt động nhân đạo được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao là minh chứng của những cam kết đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung của LHQ.
Việt Nam tham gia các hoạt động GGHB của LHQ thực sự trở thành những “sứ giả của hòa bình”. Đến nay, chúng ta đã có sáu BV dã chiến cấp 2 và ba đội công binh, với hàng trăm cán bộ, nhân viên.
Sự đóng góp lực lượng GGHB LHQ đã lan tỏa hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh người lính mũ nồi xanh của Liên hợp quốc.
Trung tướng NGUYỄN ĐỨC HẢI, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược
quốc phòng, Bộ Quốc phòng
PHONG ĐIỀN (ghi)