Thầm lặng sẻ chia yêu thương

Một căn nhà cấp bốn nép trong một hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Công Hoan (Phường 7, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng lại là nơi sẻ chia ấm áp nghĩa tình dành cho những sinh viên nghèo trọ học. Chủ nhà là ông Hồ Đề (trong ảnh), một trong 'Những tấm gương thầm lặng mà cao cả' được thành phố vinh danh.

Ông Hồ Đề là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 7. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế), thuở nhỏ ông đã nuôi chí ham học. Thời học sinh theo học trường Quốc học, sau đó thi đỗ vào Trường Sư phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp, ông đi dạy, rồi có khoảng bốn năm làm Hiệu trưởng Trường Bồ Đề, Phan Thiết. Tại đây, có ba người Mỹ xin vào trường dạy Anh văn cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12.

Ngoài giờ dạy, ba người Mỹ này lại muốn học tiếng Việt, lúc này vị hiệu trưởng trẻ tuổi Hồ Đề đồng ý dạy. Ngược lại, những người Mỹ vui vẻ bổ sung thêm vốn tiếng Anh cho ông. Thời gian sau, ông vào Sài Gòn-Gia Định theo học tại Viện Đại học Vạn Hạnh, tham gia phong trào sinh viên đấu tranh, hoạt động nội tuyến trong vùng tạm chiếm. Anh sinh viên trẻ được cấp trên giao nhiệm vụ viết các bản tin và được đường dây bí mật đưa ra ngoài chiến khu. Các tác phẩm của ông in trên báo Giải Phóng với các bút hiệu như HĐ, Người thầm lặng…

Và trùng hợp ngẫu nhiên, 50 năm sau, ông là một trong những cá nhân được vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2022. Tháng 11/2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho những đại biểu điển hình tiên tiến, trong đó có ông.

Kể về giây phút này, ông Hồ Đề không cầm được xúc động khi nói về lòng biết ơn vô hạn với công lao to lớn của Bác. Ông nói chiếc áo in dòng chữ và huy hiệu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” luôn giữ mãi bên mình. Ông chia sẻ việc làm của mình tuy nhỏ (tạo nơi lưu trú cho sinh viên nghèo, những người bệnh tật khó khăn… khoảng 40 năm) đã được các các cấp ủy của Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, biểu dương. Ông Hồ Đề tâm sự: Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, ông được phân công là phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian hoạt động trong lòng địch chưa được đào tạo ngành phóng viên báo chí, nên ông được cử theo học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và được giao công tác tại nhiều tỉnh, thành phố trong đó, có Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Do có vốn tiếng Anh khá vững ông được cử đến các hội nghị quan trọng. Năm 2003, tuy đã nghỉ hưu nhưng với những năm công tác nhiệt tình, Đài Tiếng nói Việt Nam trao tặng cho ông danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Cả trước và sau khi về hưu, ông Hồ Đề tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, nhất là sinh viên từ những tỉnh xa về Thành phố Hồ Chí Minh trọ học. Trong căn nhà cấp bốn của mình, ông dành bốn phòng trọ miễn phí cho sinh viên nghèo. Ông được Trung ương Hội Khuyến học tặng Kỷ niệm chương do nhiều năm liền giúp không chỉ chỗ ở mà “bao cấp” cả điện, nước cho các cháu sinh viên yên tâm học tập.

Sau khi ra trường, có cháu ra nước ngoài lập nghiệp gọi điện về hỏi thăm chúc ông sức khỏe và cảm ơn về thời gian được lưu trú trong căn hộ nhỏ còn được chủ nhân giúp ôn luyện tiếng Anh. Đối với họ, đây là thời gian khắc ghi lòng nhân ái về tấm lòng của một “người thầm lặng”. Ông Hồ Đắc Lễ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Phường 7, quận Phú Nhuận cho biết: “Trong những năm qua, bác Hồ Đề tận tâm với những người khó khăn, nhất là sinh viên xa nhà lên thành phố học. Vì bác nghĩ, muốn đất nước lớn mạnh cần phải có những người học giỏi, vững kiến thức. Việc làm của bác được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đánh giá cao, trao tặng nhiều Bằng khen”.

Tuổi cao nhưng ông Hồ Đề luôn chia sẻ tình cảm nồng ấm với những người ông gặp gỡ. Việc làm nhân ái, tình nghĩa lan tỏa cho cộng đồng như những câu thơ dành tặng ông Hồ Đề: “Nhà khuyến học ẩn mình trong hẻm nhỏ/Mỗi hè về rộng mở đón sinh viên/Học Anh văn, vi tính chẳng chi tiền/Và phòng trọ sinh viên nghèo miễn phí/Nhà khuyến học mà sinh viên yêu quý/Mấy mươi em được chắp cánh cao bay/Trưởng thành mau qua từng tháng, từng ngày/Đã mấy nước nhiều em sang khởi nghiệp/Nhà khuyến học sinh viên nghèo bước tiếp/Thành giảng viên đại học của Bình Dương/Ở miền nam họ Hồ Đắc đã thành gương/Làm khuyến học điển hình Trung ương hội…”

Bài và ảnh: TUẤN PHONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tham-lang-se-chia-yeu-thuong-post851529.html
Zalo