Sáp nhập TH, THCS thành trường liên cấp: Lãnh đạo trường nào làm hiệu trưởng?
Hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học theo quy định phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất và dạy học ít nhất 05 năm ở cấp học đó.
Sáp nhập trường tiểu học với trường trung học, chọn hiệu trưởng thế nào?
Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, thành phố sẽ tiếp tục thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân thành phố, trực thuộc sở, ngành và ủy ban nhân dân quận, huyện theo hướng sáp nhập, hợp nhất các đơn vị theo yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Riêng đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố tiếp tục rà soát để thực hiện sắp xếp, sáp nhập các trường mầm non trên cùng một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp các trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô dưới 15 lớp.
Cùng với đó, rà soát các trường tiểu học, trung học cơ sở trên cùng một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã để đề xuất phương án sắp xếp, sáp nhập các trường cùng cấp học hoặc thành lập trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở (tùy theo điều kiện thực tế của địa phương) đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân cũng như quyền lợi cho học sinh.
Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai phương án sắp xếp, sáp nhập. Nhiều địa phương cũng đã hoàn thiện đề án trình ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, nếu sáp nhập trường tiểu học, trung học cơ sở thành trường có nhiều cấp học thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường có cấp thấp hơn không thể làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường liên cấp vì không có thời gian công tác ở cấp học cao nhất.
Tiêu chuẩn trên đang là trở ngại không nhỏ cho việc bố trí cán bộ nói riêng và việc sáp nhập các nhà trường nói chung.
Hiện nay tại Hải Phòng có nhiều địa phương dự kiến thực hiện sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở để thành lập các trường liên cấp như: huyện Vĩnh Bảo, huyện Cát Hải.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Hải cho biết: “Đối với những trường dưới 15 lớp trên cùng một địa bàn, chúng tôi đang xây dựng đề án để sáp nhập. Dự kiến sẽ có 7 trường sáp nhập thành 3 trường bao gồm các trường mầm non sáp nhập với nhau, trường tiểu học sáp nhập với trường trung học cơ sở trên địa bàn 2 thị trấn là thị trấn Cát Hải và thị trấn Cát Bà”.
Cũng theo ông Hùng, khi sáp nhập 2 trường với nhau chắc chắn sẽ dôi dư đội ngũ lãnh đạo quản lý. Trong 2 hiệu trưởng của hai trường chỉ có thể chọn một người phù hợp hơn bổ nhiệm làm hiệu trưởng của trường mới sau khi sáp nhập. Thông thường, khi sáp nhập 2 trường ở cấp tiểu học và trung học cơ sở thì hiệu trưởng trường trung học cơ sở sẽ được bổ nhiệm quản lý.
Tuy nhiên, hiện tại việc bổ nhiệm ai và kế hoạch cụ thể như thế nào, ông Hùng cho biết đơn vị đang xây dựng đề án và sẽ báo cáo ủy ban nhân dân huyện và trình ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông như thế nào?
Theo một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông được quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học .
Cụ thể, khoản 3, Điều 11, Điều lệ nhà trường ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học:
“Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, trên thực tiễn, chủ trương sáp nhập đang được các địa phương đang tích cực triển khai. Tuy nhiên khi sáp nhập trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thành trường có nhiều cấp học thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường có cấp thấp hơn không thể làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường liên cấp vì không có thời gian công tác ở cấp học cao nhất.
“Tiêu chuẩn trên đang là trở ngại không nhỏ cho việc bố trí cán bộ nói riêng và việc sáp nhập các nhà trường nói chung. Do đó, nên sửa là ‘có 5 năm công tác trong ngành giáo dục hoặc có 5 năm giảng dạy trong ngành giáo dục’ thì sẽ hợp lý hơn”, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương khi sáp nhập trường, hiệu trưởng trường trung học cơ sở thường được mặc định làm thủ trưởng chung của hai cấp học. Tuy nhiên, hiệu trưởng phải làm việc gấp đôi, trong khi phụ cấp chức vụ cho lãnh đạo không thay đổi.
Cùng với đó, hiệu trưởng trường tiểu học sẽ xuống làm phó hiệu trưởng chuyên môn, giảm phụ cấp chức vụ, giảm quyền hành nên không tránh khỏi tâm tư, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Đồng thời, việc xét thi đua cuối năm cũng rất rối, bởi đặc thù của hai cấp học khác nhau. Chẳng hạn như bậc trung học cơ sở có thi học sinh giỏi, trong khi bậc tiểu học thì không nên việc xây dựng tiêu chí thi đua chung cho giáo viên không phải là chuyện dễ.
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, quy định chuẩn hiệu trưởng được nêu rõ tại Điều 2 Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 ban hành quy định chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông gồm 4 căn cứ và không có nội dung nào yêu cầu lấy kết quả đánh giá chuẩn hiệu trưởng để làm căn cứ bổ nhiệm hiệu trưởng, cụ thể:
“Điều 2. Mục đích ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng
1. Làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
2. Làm căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá phẩm chất, năng lực của hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
3. Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
4. Làm căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường”.
Cũng theo vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng: “Hàng năm các nhà trường, cấp quản lý giáo dục đã đánh giá chuẩn cho giáo viên và hiệu trưởng theo các văn bản hướng dẫn của Bộ. Tuy nhiên, việc xếp chuẩn này rất hình thức, chồng chéo không cần thiết.
Cuối năm học, hiệu trưởng phải đánh giá viên chức, đánh giá đảng viên, đánh giá chuẩn hiệu trưởng (3 loại đánh giá/năm). Việc này gây sự lãng phí về thời gian với việc đánh giá nhiều nội dung đánh giá trùng nhau như: phẩm chất đạo đức lối sống…”.
Thực tế, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn các điểm trường trên địa bàn tỉnh là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh ngành giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này nhằm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực và cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Tuy nhiên, sáp nhập và bổ nhiệm các vị trí quản lý như thế nào cho hợp lý đòi hỏi các địa phương phải có sự tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.