Trường Đại học chuyển thành Đại học: Không chỉ khác 'danh xưng'

Các trường đại học (ĐH) đã và đang chuyển thành ĐH. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ sự khác nhau giữa trường ĐH và ĐH là như thế nào trong khi các chuyên gia cho rằng, các trường sau khi đổi tên phải thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…

“Áo” đã chật

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tồn tại 3 mô hình ĐH. Mô hình thứ nhất, có lịch sử lâu nhất là ĐH quốc gia, gồm ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội. Mô hình thứ hai là ĐH vùng gồm: ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế. Mô hình thứ ba là trường ĐH chuyển thành ĐH gồm: ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế Quốc dân.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển thành ĐH Kinh tế Quốc dân, ngày 12/1. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển thành ĐH Kinh tế Quốc dân, ngày 12/1. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Ở mô hình thứ 3, các ĐH ra đời theo Luật Giáo dục ĐH 2018, việc thành lập ĐH được quy định cụ thể, rõ ràng với 2 trường hợp. Thứ nhất, một trường ĐH nếu đủ điều kiện sẽ có thể chuyển thành ĐH, thứ 2, các trường ĐH có thể liên kết với nhau để thành ĐH. Trường hợp thứ 2 tương tự với việc thành lập các ĐH quốc gia và ĐH vùng như trên.

Trong 4 năm gần đây, 4 trường ĐH chuyển thành ĐH đều theo cách “tự lớn lên”. Lộ trình dài ngắn tuy khác nhau nhưng cho thấy việc trở thành ĐH đang là xu hướng của các trường không muốn mang chiếc “áo” chật chội.

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc chuyển đổi những trường ĐH có đủ điều kiện thành ĐH nhằm đổi mới hệ thống quản trị ĐH, giao quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên. Hiện phần lớn các trường ĐH đều đa ngành. Trong mỗi khối ngành có các chuyên ngành. Các chuyên ngành trong khối ngành phát triển riêng rẽ, không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Khi chuyển thành ĐH thì các ngành của khối ngành tích hợp lại thành trường thuộc ĐH. Do đó, GS Bùi Văn Ga đánh giá, các ngành có thể chia sẻ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thế mạnh của nhau trong từng trường để nâng cao hiệu quả đào tạo.

Theo ông, xu thế phát triển của nền kinh tế số đòi hỏi người lao động phải có kiến thức đa dạng. Vì vậy, việc đào tạo chuyên sâu, đơn ngành như thế kỉ trước không còn phù hợp. Các trường cần xây dựng các chương trình đào tạo liên ngành, đưa kiến thức kĩ thuật số vào tất cả các lĩnh vực thì sinh viên tốt nghiệp mới thích nghi với môi trường công tác. Các trường thuộc ĐH có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này. Khi trường ĐH thành ĐH người học hưởng lợi nhờ được học nhiều thầy giỏi, điều kiện thực hành được cải thiện và nhất là được học kiến thức đa ngành để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động.

Ông Ga đánh giá, những lợi ích và giá trị chỉ đạt được khi ĐH có hệ thống quản trị hiệu quả, mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên. Về phía cơ quan quản lí ngành cũng cần quy định mềm dẻo hơn đối với các ĐH, đặc biệt là giao quyền tự chủ, linh hoạt trong điều kiện mở ngành mới, quy định giảng viên... Nếu ĐH mà cơ chế quản lí không có gì thay đổi thì sẽ không tạo được chuyển biến về chất mà đơn thuần chỉ là sự thay đổi danh xưng.

Đổi về chất và lượng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng khẳng định, dù luật khuyến khích các trường mở rộng quy mô nhưng không phải trường nào cũng có khả năng trở thành ĐH. Do vậy, các trường phải tự xác định mô hình, cấu trúc tổ chức để phù hợp nhất với mình thay vì chạy theo quan niệm “phải trở thành ĐH”. Đó không phải là cách thức phát triển bền vững.

Thực tế có một số trường theo đuổi đơn ngành và thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Ví dụ như các trường nghệ thuật, thể thao - vốn là trường đặc thù và chắc chắn họ sẽ không có ý định phát triển thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. “Cần khẳng định, sự thay đổi từ trường ĐH thành ĐH không phải chỉ ở tên gọi. Thực chất, đây là sự thay đổi về mô hình tổ chức, xuất phát từ nhu cầu phát triển bên trong của từng cơ sở đào tạo”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.

Một trường ĐH khi chuyển thành ĐH không có nghĩa vị thế sẽ lên cao hơn. Ví dụ, hiện tại có 3 ĐH vùng, nhưng không ai nói ĐH vùng có vị thế, đẳng cấp cao hơn các trường ĐH khác. Ông Sơn cũng khẳng định không có ưu ái hơn giữa trường ĐH và ĐH ngoài quyền tự chủ học thuật cao hơn (điều này vốn do năng lực tự chủ của cơ sở giáo dục).

Mặt khác, nhiều trường ĐH có quy mô tuyển sinh còn lớn hơn ĐH. Thí sinh không lựa chọn vào trường vì đó là ĐH hay không. Do đó, đẳng cấp của một trường không thể hiện ở cái tên mà phải do chính trường đó khẳng định. Và, đẳng cấp này phải thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ĐH là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng và sự lớn mạnh. ĐH cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại giá trị.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truong-dai-hoc-chuyen-thanh-dai-hoc-khong-chi-khac-danh-xung-post1708992.tpo
Zalo