Thầm lặng chấn hưng nghề lụa vẽ Việt Nam
Sinh ra trong một gia đình không ai đi theo con đường nghệ thuật nhưng cuộc sống của nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh hiện tại lại chỉ xoay quanh dòng chảy thời trang. Anh chính là người tiên phong đưa các kỹ thuật vẽ lụa mới mang đến hiệu quả mỹ thuật và tính ứng dụng cao cho ngành thời trang Việt Nam.
Áo dài không dừng lại ở trang phục làm đẹp cho phụ nữ Việt, mà còn trở thành một trong những ngôn ngữ ngoại giao. Với Trung Đinh, áo dài còn gói trọn cả đam mê, lý tưởng và một thời tuổi trẻ đầy mạo hiểm. Con đường anh đi tuy thầm lặng nhưng không vì đó mà thiếu sự rực rỡ, lộng lẫy.
Chọn áo dài là “điểm tựa”
Sinh ra tại Phú Yên trong gia đình trí thức có 7 anh chị em, nhưng không có bất kỳ ai tham gia nghệ thuật, Trung Đinh tốt nghiệp ngành Thiết kế chính quy loại ưu, sau đó giữ vị trí giám đốc sáng tạo cho một tập đoàn thời trang lớn của Italy có trụ sở tại Việt Nam và đảm nhiệm việc thiết kế các bộ sưu tập phiên bản giới hạn cho tập đoàn. Các sản phẩm thủ công này do chính tay Trung Đinh làm ra, sau đó xuất ngược qua Italy để bán sang các nước khác với giá cực kỳ đắt đỏ.
Là một người con Việt với tâm hồn nghệ thuật truyền thống, Trung Đinh luôn đau đáu trong mình suy nghĩ, tại sao phải “chảy chất xám”, tạo ra giá trị lớn cho một thương hiệu ngoại mà không đóng góp gì cho nền thời trang nước nhà? Vì thế, tuy đang có vị trí và mức lương đáng mơ ước với nhiều người nhưng anh vẫn sẵn sàng bồi thường chi phí nghỉ việc rất lớn để theo đuổi con đường riêng của mình. Và, anh đã lựa chọn sáng tạo với áo dài.
“Mức lương của tôi vào thời điểm năm 2013 là khoảng 3.500 Euro/tháng. Khi tôi nộp đơn xin nghỉ việc, sếp tôi không đồng ý. Bạn bè, người thân cũng nghĩ tôi đang có vấn đề gì đó.
Song, tôi nghĩ rằng khi làm một công việc với mức lương cao, mình chỉ lo cho cuộc sống cá nhân, gia đình tốt chứ không tạo được công ăn việc làm cho nhiều người. Những sản phẩm, sự sáng tạo của tôi đều đứng dưới một thương hiệu nước ngoài”, Trung Đinh chia sẻ.
Đầu tiên, khi tìm hiểu thị trường, anh nhận ra những tiêu chuẩn trong mảng nghề áo dài vẫn chưa cao. Nhiều người vẫn xem vẽ áo dài là công việc tạm bợ. Giá của những sản phẩm này rất rẻ trên thị trường.
Sau khi dạo một vòng TPHCM, anh thấy phần lớn là tranh sơn dầu, nên tự hỏi những họa sĩ vẽ tranh lụa ngày xưa đang ở đâu, sống bằng công việc gì. Thời điểm này, vẫn còn một số họa sĩ có đam mê với chúng. Nhưng chỉ có đam mê mà kinh tế không vững thì khó theo đuổi lâu dài. Vì thế, anh muốn khôi phục, định vị lại việc vẽ thủ công trên áo dài.
“Lụa Việt Nam lại không sống tốt trên chính quê hương là điều khiến tôi trăn trở rất nhiều. Trong khi đó, phần lớn nhà thiết kế chọn những chất liệu có sẵn trên thị trường, nhập khẩu… Người tiêu dùng thời trang chịu sự chi phối, ảnh hưởng của các nhà thiết kế. Nếu nhà thiết kế Việt Nam ưu tiên chọn lụa Việt Nam thì những làng lụa hoàn toàn có thể “sống” tốt. Những điều này thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó”, anh kể.
Khi nhen nhóm suy nghĩ, anh bắt tay thực hiện bởi 2 lý do: Mình không làm thì ai sẽ làm và nếu không bây giờ thì là bao giờ?
Song, thực sự đây không phải sự lựa chọn dễ dàng.
Ban đầu, anh tập trung một vài bạn trẻ có đam mê về hội họa. Họ là người quen, người bạn khi học về thời trang, hội họa và cả những người vẽ tranh “hàng chợ”. Anh đã phân tích cho họ cần có những thay đổi gì để công việc tốt hơn, có giá trị hơn.
“Nhiều người mong muốn có thể lấy được 100.000 - 200.000 đồng/chiếc áo khi vẽ, ngay lập tức. Họ cho rằng việc tạo ra những chiếc áo có giá hơn chục triệu đồng là viển vông. Đó là thất bại đầu tiên của tôi. Cũng đúng vì tôi không có gì để chứng minh cho họ về kết quả tôi mong muốn đạt được”, Trung Đinh nhớ lại.
Họa áo, đưa “đò”
Suốt 10 năm qua Trung Đinh gần như “trốn” khỏi thị trường thời trang Việt Nam. Anh dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, sáng tạo ra kỹ thuật mới về vẽ thủ công và nhuộm ombré trên lụa. Trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại vì kỹ thuật, quy trình chưa đúng, nguyên vật liệu chưa chuẩn, cuối cùng anh đã thành công.
Theo lời anh kể, khi mới ra mắt, anh đã đưa ra áo dài vẽ thủ công với giá 200 USD. Dĩ nhiên, khi định giá với con số này thì kỹ thuật, cách thể hiện của anh cũng khác. Nhiều người khen đẹp nhưng họ không hoặc khó chấp nhận mức giá trên vì khá cao so với tình hình kinh tế thời đó. Nhưng anh vẫn kiên định, nhất quyết không bán rẻ.
“Tôi tin rằng, lụa Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nước về màu sắc, mẫu mã, đặc biệt là qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người Việt. Từ dải lụa trắng, giờ đây tôi có thể tự nhuộm thủ công theo màu sắc mong muốn, nếu ai cũng tự làm được thì sẽ giúp cho nhiều làng nghề dệt lụa “hồi sinh”. Ngoài ra, việc tạo màu đã giải quyết một vấn đề rất lớn cho ngành thời trang Việt, đó là chủ động tạo ra chất liệu mang tính độc bản chứ không phải đại trà, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài”, anh nhìn nhận.
Tuy nhiên, Trung Đinh không giữ cho riêng mình mà đem những kỹ thuật ấy truyền lại cho thế hệ học trò.
Anh cho rằng: “Nếu giữ độc quyền, tôi có thể kiếm được nhiều lợi nhuận. Nhưng nếu như vậy sẽ không có cơ hội phát triển. Tôi nghĩ một mình tôi không thể nào vực dậy được mảng vẽ trên lụa. Tôi cần một hệ sinh thái, một cộng đồng cùng chung tâm huyết”. Cũng chính vì vậy mà trung tâm dạy vẽ trên vải của Trung Đinh ra đời. Hiện tại, trung tâm của anh đã đào tạo nghề thành công cho hơn 4.000 học viên trên toàn quốc.
Ngoài dạy tại trung tâm của mình, anh còn nhận tham gia các buổi giảng dạy, workshop tại các trường đại học, trường nghề; quảng bá cho du khách nước ngoài, đại sứ quán các nước…
Trong tương lai, anh mong muốn tổ chức những buổi workshop về nhuộm và vẽ thủ công trên lụa tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tại các trường đại học - nơi ươm mầm các tài năng thời trang, thiết kế trẻ để lan tỏa nhiều hơn nữa về ngành nghề lụa thủ công Việt Nam.
Anh cho biết, chuyện xây dựng nghề cho nhiều người đã làm được. Và nay, anh muốn làm nốt việc còn lại là phát triển, định vị mảng nghề này thật mạnh trong xã hội.
Tháng 7 vừa qua, anh đã giới thiệu dự án dài hơi “Lụa hát trên vai” đã được ấp ủ thực hiện trong 10 năm qua.
“Lụa hát trên vai” gồm nhiều bộ sưu tập thể hiện rõ nét về văn hóa, cảnh đẹp của đất nước Việt Nam, từ miền Tây sông nước đến vùng cao Tây Bắc dưới nét vẽ và nhuộm thủ công. Trong đó, tranh lụa và áo dài được xem là điểm tựa xuyên suốt của dự án.
Dự án mang ý nghĩa đặt trách nhiệm ấy trên đôi vai một cách nhẹ nhàng, cũng như thể hiện chính tâm huyết, lý tưởng dấn thân của anh suốt nhiều năm qua. Qua đó, anh muốn cho công chúng thấy ứng dụng lụa của Việt Nam là vô tận.