Thăm làng cá cảnh Yên Phụ dịp Tết ông Táo
Yên Phụ là một ngôi làng cổ ở ven Hồ Tây (nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) xưa kia nổi tiếng với nuôi cá cảnh. Dịp 23 tháng Chạp, làng cá Yên Phụ, các mối buôn, tiểu thương ở khắp nơi tới nhập cá chép về bán tại các chợ nhằm phục vụ nhu cầu mua cá dịp Tết ông Công, ông Táo của người dân.
Từ xa xưa, nuôi cá cảnh không chỉ là thú vui mà còn là nguồn sống của nhiều người dân làng Yên Phụ. Làng cá cảnh Yên Phụ đông khách nhất vào dịp cuối năm và lễ cúng ông Công, ông Táo. Dịp này, các loại cá chép vàng, chép đỏ, chép tam dương, chép nhật… được nhiều người mua nhất.
Gia đình anh Ngô Văn Tuấn (làng Yên Phụ, quận Tây Hồ) đã theo nghề nuôi cá cảnh hàng chục năm nay. Trại cá của ông Tuấn hiện vẫn duy trì nuôi nhiều giống cá thuần chủng của làng Yên Phụ như: cá vàng, cá chép, cá kiếm, cá chọi... Ông Tuấn cho biết, các loại cá vàng, cá chép thường được người tiêu dùng ưa chuộng và bán quanh năm. Dịp 23 tháng Chạp, cá chép giống Nhật, to bằng hai ngón tay được nhiều người mua nhất, với giá bán buôn chỉ khoảng 5.000 đồng/đôi.
Dù nằm sâu trong làng nhưng nhà ông Huy lại có chủng loại cá cảnh khá phong phú, đa dang như cá chọi, cá kiếm, cá vàng. Dịp Tết ông Công, ông Táo, cả nhà ông tập trung nhân lực để chăm sóc cho đàn cá được khỏe mạnh trước khi đến tay người mua. Theo ông Huy, cá vàng, cá chép là những loại cá truyền thống được làng Yên Phụ nuôi từ xa xưa. Các loại cá này rất khỏe, phù hợp với thời tiết miền Bắc.
Vào dịp lễ cúng ông Công, ông Táo, gia đình ông Huy cung cấp ra thị trường khoảng 500 - 700 kg cá vàng. Khách hàng của ông thường là những tiểu thương buôn bán ở các chợ truyền thống hoặc các cửa hàng bán cá cảnh. Giá bán một bộ ba con cá cỡ nhỏ vào khoảng 40.000 đồng.
Ông Huy cho biết, thời gian nuôi cá vàng từ lúc nở đến khi xuất bán sẽ mất khoảng 4 tháng. Để có cá bán đúng dịp cúng ông Công, ông Táo, người nuôi cá phái tính toán thời gian ươm nở sao cho cá xuất bán vào những ngày này đạt chất lượng tốt nhất, hình thức đẹp.
Công việc nuôi cá tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra rất công phu, nó đòi hỏi người nuôi cá phải thật sự yêu nghề và đam mê mới làm được. Hàng ngày, người nuôi cá phải dậy từ sớm, kiểm tra từng bể cá, vớt cá con, thăm bệnh và cho cá ăn, rồi cọ bể, thay nước... Những tháng đông giá lạnh còn vất vả hơn bởi họ phải chăm sóc, giữ ấm cho từng bể cá, từng con cá giống.
Ngày nay, do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp dần, ở Yên Phụ không còn nhiều nhà làm nghề nuôi cá cảnh. Tuy nhiên, hầu như các gia đình còn theo nghề cá ở đây đều giữ truyền thống nuôi cá. Những loại cá họ tự nuôi là giống cá cảnh cổ truyền như cá vạn long, cá kiếm, cá vàng, cá ngựa vằn, bảy màu...