Trong bão lũ, càng thắm đượm tình quân dân
Trong những thời điểm khó khăn nhất, người lính bộ đội Cụ Hồ không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, đã kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, nguy hiểm để bảo vệ sự bình an của Nhân dân. Những câu chuyện xúc động về tình quân dân từ vùng lũ quét ở làng Nủ hay ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, trong cơn bão số 3 vừa qua là một minh chứng.
Trong đau thương, cả làng được sống trong tình yêu thương của bộ đội
Thôn Làng Nủ sau gần 3 tháng xảy ra thiên tai, tại khu tái định cư mới, hoa đã nở rực rỡ ở hàng chục ngôi nhà kiên cố đang gấp rút hoàn thiện trước thềm năm mới. Đối với người dân Làng Nủ, đây không chỉ là nhà mà còn là "tổ ấm hy vọng" cho một khởi đầu mới hồi sinh.
Hòa cùng khí thế với bà con dọn dẹp nhà vườn bên công trường tái thiết làng, chị Trần Thị Hoài Thu, Chi hội trưởng phụ nữ, đang cùng bà con Làng Nủ tự làm hàng rào, trồng những luống rau xanh, luống hoa rực rỡ bên khu vườn nhỏ cạnh những ngôi nhà sàn mới hoàn thiện.
Bà Hoàng Thị Bóng, người dân làng Nủ, đứng trong khu vườn mới của gia đình bảo: "Tôi không muốn nhớ lại những ngày ám ảnh đó nữa, chồng tôi cũng mất trong trận mưa bão, chỉ còn lại 3 mẹ con tôi, đứa lớn đã xây dựng gia đình riêng. Thằng út trước đây đi làm thuê ở thành phố, từ ngày bố mất, làng xảy ra chuyện, thằng bé về nhà để mẹ con tôi ở gần nhau. Sau Tết, nhà cửa ổn định, mẹ con tôi mới tính đi làm tiếp hay không".
"Trong lúc đau thương nhất, nhà cửa mất hết, mẹ con tôi và bà con trong làng được bộ đội cứu nạn, giúp đỡ, cho nơi ở tạm, có chỗ ăn ngủ suốt thời gian qua. Cả làng tôi được sống trong tình yêu thương của bộ đội, của các lực lượng chức năng, cả đời này tôi chỉ biết cảm ơn bộ đội đã không quản ngại mưa bão, không ngại khó, ngại khổ, vì bà con mà dành hết công sức, tình cảm giúp chúng tôi dịu đi nỗi đau, sớm trở lại cuộc sống bình thường", bà Bóng tâm sự.
Cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, chính quyền và các cấp Hội phụ nữ, đoàn thể xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, đang nỗ lực cùng 9 hộ dân phải di dời, xây nhà mới, tinh thần đoàn kết tình quân dân, tình làng nghĩa xóm sau mưa bão càng thêm bền chặt. Đứng trước ngôi nhà xây kiên cố sắp hoàn thiện, bà Triệu Thị Đài, dân tộc Dao ở thôn Tân Trúc, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, không khỏi xúc động.
Bà Đài chia sẻ: "Trong 60 năm cuộc đời, chứng kiến cảnh sạt lở trên vùng đất sinh ra và lớn lên do bão số 3, tôi vẫn rất ám ảnh. Chỉ trong phút chốc, các thành viên trong gia đình tôi không còn nơi trú ngụ. Cũng may, sự xuất hiện kịp thời của các anh bộ đội Cụ Hồ và chính quyền địa phương đã giúp cả nhà tôi không bị đói, rét. Bão qua đi, gia đình tôi được hỗ trợ 80 triệu đồng để di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm và xây nhà mới. Nhà mới của tôi sắp xây dựng xong rồi, tôi cảm ơn sự quan tâm nhiệt tình của các anh bộ đội Cụ Hồ, của chính quyền địa phương rất nhiều".
Ai cũng muốn nhận bộ đội là người nhà
Chia sẻ về sự gắn bó tình quân dân trong bão lũ, chị Trần Thị Hoài Thu, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Làng Nủ, nhớ lại: "Tôi vẫn ám ảnh với thiên tai xảy ra hôm ấy, song khi các anh bộ đội đến làng, bà con chúng tôi ai cũng muốn hét thật to: "Các chú bộ đội đến rồi", "Bộ đội đến rồi bà con ơi". Chỉ cần thấy các chú bộ đội xuất hiện, chúng tôi biết cả làng được cứu rồi, chúng tôi sống rồi!".
Chị Trần Thị Hoài Thu cho biết: "Với vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn Làng Nủ, tôi còn là người mẹ, người bà, nên ngay khi bộ đội Cụ Hồ đến giúp làng ứng phó mưa bão, tôi tự động viên mình và bà con phải mạnh mẽ lên để vượt qua. Chúng tôi cùng đoàn kết, tìm nguồn hỗ trợ ở nơi ở tạm, tìm cách nấu cơm, nấu nước uống mang đến tận tay cán bộ, chiến sĩ để động viên các anh, cũng tiếp thêm sức mạnh để các anh cứu được người thân của chúng tôi, tìm được người nhà đang mất tích cho làng tôi".
"Cùng trải qua đau thương tột cùng do mưa bão gây ra, với người dân Làng Nủ chúng tôi, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đã gắn bó như máu thịt, như người một nhà không gì chia tách. Ân nghĩa sâu nặng với bà con chúng tôi đến giờ thật khó cắt nghĩa thành lời. Chúng tôi không chỉ rơi nước mắt vì mất người thân, mà khi chứng kiến các anh bộ đội dầm mình ngày này qua ngày khác trong mưa lũ tìm kiếm người mất tích, vừa chạy lũ, chống chọi mưa bão bất ngờ…, nước mắt chúng tôi cứ rơi vì thương bộ đội chẳng ngại vất vả, chẳng sợ nguy hiểm vì người dân. Sau bão, làng tôi tiếp tục gắn bó với người lính của Binh đoàn 12 giúp tái thiết Làng Nủ đến tận bây giờ. Với chúng tôi, hình ảnh, màu áo bộ đội Cụ Hồ đã gắn liền như máu thịt của bà con, ai cũng muốn nhận anh bộ đội là người nhà của mình" - chị Trần Thị Hoài Thu xúc động nói.
Trong giankhócàng thấm đượm tình cảm đặc biệt của quân dân
Tháng 9/2024, ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn, sạt lở và ngập lụt diện rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Lào Cai đã kịp thời triển khai các nguyên tắc "3 sẵn sàng" và phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai.
Nhớ lại những dấu ấn khó quên khi cùng đồng đội và lực lượng chức năng ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh, Đại tá Đặng Hồng Hải, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, kể: "Tôi nhớ nhất lúc cùng cán bộ, chiến sĩ hành quân tới Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) hay xã Tân Thượng (huyện Văn Bàn). Khi ấy, khung cảnh bao trùm chỉ toàn là bùn, đất, và dưới lớp bùn đất kia là những nạn nhân bị vùi lấp, những tiếng kêu khóc, cầu cứu… Thấy chúng tôi, người dân bình tĩnh hơn, cùng lực lượng chức năng dầm mình trong mưa lũ vận chuyển người bị thương đi cấp cứu, vừa tìm kiếm nạn nhân mất tích, vừa lo hậu sự cho người đã mất. Những hình ảnh đau thương đó ở các vùng lũ trên địa bàn khiến chúng tôi buốt nhói lòng, càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm hơn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt cấp bách lúc này".
Theo Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai: "Trong lúc tang thương chồng chất, ám ảnh, chúng tôi xúc động khi nghe bà con động viên nhau: "yên tâm, bộ đội đến rồi" - câu nói nhẹ lòng của người dân vùng lũ đã tiếp thêm sức mạnh cho mỗi cán bộ, chiến sĩ hăng hái, tích cực hơn với nhiệm vụ được giao. Tình cảm của người dân vùng lũ khi ấy dành cho mỗi nơi chúng tôi đến chỉ là nắm xôi, cái bánh mỳ, gói mì tôm, chai nước lọc… nhưng đã làm ấm lòng người chiến sĩ đang căng mình chống chọi với thiên tai, giành giật sự sống, tính mạng cho bà con.
"Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại các địa bàn chịu ảnh hưởng sau bão, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức chia tay, tri ân các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Tôi vẫn nhớ đồng chí Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cùng bà con tạm biệt chúng tôi cứ rưng rưng nước mắt lưu luyến, bịn rịn mãi khiến chúng tôi ai cũng nghẹn ngào. Bà con vùng lũ chia tay chúng tôi bằng những bông hoa rừng tự bó, những chiếc bánh chưng gói vội, những lời cảm ơn và tạm biệt của đồng bào các dân tộc các vùng lũ tỉnh Lào Cai dành tặng cán bộ, chiến sĩ lúc chia tay… đã nói lên tất cả rằng: càng trong gian khó càng thấm đượm tình cảm đặc biệt của quân và dân nơi biên cương Tổ quốc" - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai xúc động chia sẻ.
Bão lũ đã đi qua nhưng tình người còn mãi. Các anh - những người lính bộ đội Cụ Hồ từ sâu thẳm trái tim, bằng những hành động cụ thể đã trở thành chỗ dựa vững chắc của Nhân dân trong thiên tai, bão lũ. Những khoảnh khắc đầy nghĩa tình ấy đã chạm đến trái tim của hàng triệu đồng bào. Giống như lời của Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từng nói: "Quân đội sẽ cố gắng làm, làm hết sức mình vì Nhân dân, vì Tổ quốc, vì sự trường tồn của đất nước này", giúp đồng bào vượt qua mọi khó khăn, sớm ổn định cuộc sống trên vùng đất lũ.
Chỉ riêng ứng phó với cơn bão số 3 Yagi, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị huy động 8.096 cán bộ, chiến sĩ với trên 46.410 ngày công, 700 lượt phương tiện các loại; các LLVT đã trực tiếp tham gia ứng cứu được 75 người bị thương, tìm kiếm 103 người mất tích; hỗ trợ di dời 6.562 hộ dân; dọn dẹp vệ sinh hơn 4.284 nhà dân; vận chuyển trên 250 tấn hàng cứu trợ và cấp phát đến tay người dân bị nạn; hỗ trợ làm nơi ăn nghỉ tạm thời cho 15 hộ dân thuộc thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà; 25 nhà tạm tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; tham gia xây dựng, khắc phục các công trình điện, nước, bảo đảm cho sinh hoạt của người dân.