Tham khảo chế độ ăn cho người bị áp xe não

Mặc dù không có chế độ ăn cụ thể cho người bị áp xe não nhưng dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi.

1. Áp xe não do nhiều tác nhân

NỘI DUNG

1. Áp xe não do nhiều tác nhân

2. Nhiều bệnh nhân cao tuổi bị áp xe não có nguy cơ suy dinh dưỡng

3. Một số lưu ý về dinh dưỡng cho người bị áp xe não

BS. Trần Thanh Tịnh, BV Đa khoa Quảng Nam cho biết, áp xe não được định nghĩa là những ổ nhiễm khuẩn khu trú trong nhu mô não do nhiều tác nhân gây nên. Thường gặp nhất là do vi khuẩn, ít gặp hơn như nấm, ký sinh vật. Áp xe não chiếm 8% tổng số khối choán chỗ trong sọ, đây là một trong số ít bệnh lý choán chỗ trong sọ có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Chẩn đoán và điều trị áp xe não đã có nhiều sự tiến bộ trong những năm qua nhờ sự áp dụng các kỹ thuật hiện đại như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, cộng hưởng từ khuếch tán, định vị, neuronavigation và kháng sinh hiệu quả. Áp xe não chủ yếu được điều trị khỏi bằng phẫu thuật, nhất là phẫu thuật chọc hút. Điều trị nội được sử dụng khi áp xe còn nhỏ hay điều trị nội sau khi phẫu thuật.

Áp xe não là thương tổn lành tính, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ thường quy và cộng hưởng từ khuếch tán. Điều trị chọc hút là phương pháp có nhiều ưu điểm vì là can thiệp ít xâm lấn, hiệu quả và an toàn. Phẫu thuật mổ bóc bao khi chọc hút thất bại hoặc áp xe não có dị vật trong ổ áp xe.

Áp xe não là những ổ nhiễm khuẩn khu trú trong nhu mô não do nhiều tác nhân gây nên.

Áp xe não là những ổ nhiễm khuẩn khu trú trong nhu mô não do nhiều tác nhân gây nên.

Dinh dưỡng đóng vai trò hỗ trợ cho các phương pháp điều trị này.

2. Nhiều bệnh nhân cao tuổi bị áp xe não có nguy cơ suy dinh dưỡng

Theo một nghiên cứu đăng tải trên ResearchGate cho thấy chỉ số rủi ro dinh dưỡng (Geriatric - GNRI) ở người cao tuổi có giá trị tiên lượng cho kết quả phục hồi ở bệnh nhân cao tuổi bị áp xe não. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 4 năm 2023, với 100 bệnh nhân cao tuổi được chẩn đoán mắc áp xe não.

Nghiên cứu này làm nổi bật vai trò then chốt của dinh dưỡng trong việc điều trị và phục hồi cho bệnh nhân áp xe não, đặc biệt là người cao tuổi. Một điểm đáng chú ý là nguy cơ suy dinh dưỡng cao ở đối tượng này, với gần một nửa số bệnh nhân - 48% bệnh nhân cao tuổi bị áp xe não được chẩn đoán có nguy cơ suy dinh dưỡng.

Tình trạng này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, cản trở quá trình phục hồi và làm tăng nguy cơ biến chứng. Do đó, dinh dưỡng có tác động đáng kể đến kết quả phục hồi, khi chỉ số GNRI thấp (cho thấy nguy cơ suy dinh dưỡng cao) liên quan đến kết quả kém hơn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng để hỗ trợ phục hồi.

Việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân cao tuổi bị áp xe não giúp xác định những người có nguy cơ suy dinh dưỡng và cho phép can thiệp kịp thời. Các biện pháp can thiệp dinh dưỡng có thể bao gồm chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất, hoặc hỗ trợ dinh dưỡng qua đường tiêu hóa hoặc đường tĩnh mạch, tất cả đều cần được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ điều trị.

Điều này cho thấy, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hỗ trợ điều trị cho người bệnh áp xe não, nhất là bệnh nhân cao tuổi vì họ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao.

Nhiều bệnh nhân cao tuổi bị áp xe não có nguy cơ suy dinh dưỡng,

Nhiều bệnh nhân cao tuổi bị áp xe não có nguy cơ suy dinh dưỡng,

3. Một số lưu ý về dinh dưỡng cho người bị áp xe não

Tham khảo một số nguyên tắc dinh dưỡng chung và lời khuyên về thực phẩm khi chăm sóc, nuôi dưỡng người bị áp xe não:

Nguyên tắc dinh dưỡng chung

Đảm bảo đủ năng lượng: Đảm bảo cung cấp đủ calo để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể trong quá trình phục hồi. Người bệnh cần được cung cấp đủ năng lượng từ các nguồn như cơm, bánh mì, khoai tây.

Tăng cường protein: Tăng cường lượng protein để hỗ trợ phục hồi mô và tăng cường chức năng miễn dịch. Protein rất cần thiết cho việc phục hồi tế bào não và tăng cường hệ miễn dịch. Ưu tiên các nguồn protein nạc như thịt gà, cá, đậu phụ.

Bổ sung vitamin và khoáng chất: Ăn rau xanh, trái cây tươi và các loại hạt để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất. Đặc biệt chú ý đến các chất dinh dưỡng quan trọng cho hệ miễn dịch như vitamin C, vitamin D, kẽm và selen.

Tăng cường chất chống oxy hóa: Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào não.

Bổ sung omega-3: Các acid béo omega-3 rất quan trọng cho sức khỏe não bộ. Bổ sung các acid béo omega-3 từ các thực phẩm như cá hồi, cá thu, hạt lanh và quả óc chó…

Đảm bảo đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ nước để duy trì chức năng não tối ưu.

Thực phẩm dễ tiêu hóa: Nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa để tránh làm căng thẳng hệ tiêu hóa, nhất là giai đoạn đầu của bệnh.

An toàn thực phẩm: Phải đảm bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm. Rửa sạch rau quả và nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt và hải sản.

Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân áp xe não.

Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân áp xe não.

Thực phẩm nên ưu tiên

Protein nạc: Thịt gà, cá, trứng, đậu phụ, các loại đậu...
Rau xanh và trái cây: Bông cải xanh, rau bina, cải xoăn, cà rốt, ớt chuông, cam, táo, chuối...
Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, hạt chia...
Cá béo: Cá hồi, cá thu, cá ngừ...
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các loại quả mọng, rau có màu xanh đậm, bông cải xanh...
Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch...

Thực phẩm nên tránh

Thực phẩm chế biến sẵn: Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đồ uống có đường vì chúng có thể gây viêm và ức chế hệ thống miễn dịch. Thức ăn nhanh, đồ hộp, thực phẩm đóng gói. Thực phẩm nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo, đồ ngọt.
Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Thịt đỏ, đồ chiên rán, thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao: Tránh các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao ví dụ như đồ ăn sống hoặc chưa được nấu chín.

Lưu ý, chế độ ăn uống cần được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, giai đoạn điều trị của từng người bệnh. Môt số khuyến nghị nói trên là những nguyên tắc dinh dưỡng chung phổ biến và không thay thế cho lời khuyên y tế chuyên nghiệp. Người chăm sóc bệnh nhân áp xe não nên hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch ăn uống phù hợp với nhu cầu của người bệnh.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tham-khao-che-do-an-cho-nguoi-bi-ap-xe-nao-169250404170032191.htm
Zalo