Thảm họa vỡ đập St. Francis ở Mỹ: Bi kịch vì kiêu ngạo - Kỳ 1

Rạng sáng ngày 13/3/1928, một trong những thảm họa kỹ thuật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra tại California. Đập St. Francis, biểu tượng của tham vọng kỹ thuật và sự phát triển nhanh chóng của thành phố Los Angeles (Mỹ), đã bất ngờ sụp đổ.

Kỳ 1: Hành trình xây dựng và thảm họa

Đập St. Francis. Ảnh: Getty images

Đập St. Francis. Ảnh: Getty images

Hơn 52 triệu tấn nước cuồn cuộn đổ xuống thung lũng Santa Clara trong đêm, quét sạch nhà cửa, cướp đi sinh mạng của trên 400 người và để lại những hậu quả khủng khiếp cả về nhân mạng lẫn môi trường. Đây không chỉ là một bi kịch mà còn là bài học đắt giá về trách nhiệm và sự cẩn trọng trong các dự án kỹ thuật.

Hành trình xây dựng và những dấu hiệu cảnh báo bị bỏ qua

Khi California thu hút người miền Đông đến Los Angeles vào đầu những năm 1900, thành phố này bùng nổ với số dân ngày càng đông, nguồn cung cấp nước uống của thành phố này giảm dần. Với khát vọng tăng trưởng không thể dập tắt, các nhà lãnh đạo thành phố đã ủy quyền cho William Mulholland, kỹ sư trưởng và tổng giám đốc hệ thống nước Los Angeles, xây dựng Đường ống dẫn nước Los Angeles, được khánh thành vào năm 1913 và chuyển hướng nước từ Thung lũng Owens qua 370 km sa mạc.

Tuy nhiên, ngay cả đường ống dẫn nước cũng không thể cứu vãn được thành phố thịnh vượng này, nơi dân số tăng trưởng mạnh từ hơn 100.000 người vào năm 1900 lên hơn 1 triệu người vào những năm 1920. Lượng mưa gần như thấp kỷ lục kéo dài 7 năm và sự phát triển theo cấp số nhân của thành phố đã gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp nước.

Để giữ cho Los Angeles không bị khô hạn, Mulholland đã xây dựng một hệ thống lưu trữ để dự trữ nước. Phần tham vọng nhất của dự án là Đập St. Francis, được xây dựng cách trung tâm thành phố Los Angeles 75 km về phía Tây Bắc. Khi hoàn thành vào tháng 5/1926, đập vòm bê tông này cao 64 m và có thể chứa hơn 12 tỷ gallon nước (tương đương khoảng 45 tỷ lít), đủ để cung cấp nước cho cả thành phố trong vòng 1 năm. Đập trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Los Angeles và niềm tự hào của Mulholland, người được ca ngợi là “vị cứu tinh” của thành phố. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xây dựng và vận hành, đã có những dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại bị bỏ qua.

Vào tháng 3/1928, những cơn mưa mùa đông đã khiến Mulholland phải thông báo rằng mọi hoạt động tưới tiêu sẽ bị dừng trong vài ngày, một động thái sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD. Mưa đã đưa hồ chứa nước phía sau Đập St. Francis đạt đến công suất tối đa. Trong quá trình kiểm tra hàng ngày hàng rào bê tông vào sáng ngày 12/3/1928, người được giao nhiệm vụ trong coi đập Tony Harnischfeger đã trở nên lo lắng khi ông nhận thấy một vết rò rỉ lớn ở rìa phía Tây, có thể báo hiệu rằng vật liệu nền móng đang bị rửa trôi từ bên dưới đập.

Khi được báo cáo, Mulholland đến kiểm tra và cho rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường do các dự án xây dựng gần đó gây ra. Với lòng tin tuyệt đối vào công trình của mình, ông rời đi mà không có biện pháp phòng ngừa nào.

"Có quan sát thấy hiện tượng rò rỉ, nhưng người ta cho rằng đó là điều không đáng chú ý. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu cho thấy con đập đang gặp vấn đề", ông William Deverell, giáo sư lịch sử và đồng giám đốc Viện Huntington-USC về California và miền Tây cho biết.

Trong khi Mulholland hoàn toàn tin tưởng vào tính toàn vẹn của con đập, thì người chăn nuôi Chester Smith lại ngày càng nghi ngờ. Khi đang chăn gia súc vào ngày hôm đó, ông nhận thấy một vết rò rỉ lớn ở phía Tây của rào chắn và nước bắn tung tóe lên trên đỉnh rào chắn. Ở hạ lưu đập, Smith đi ngủ trong tâm trạng lo lắng, mở cửa sẵn đề phòng trường hợp cần phải thoát ra nhanh chóng.

Thảm họa kinh hoàng trong đêm tối

Lúc 11 giờ 57 phút đêm 12/3/1928, đập St. Francis bất ngờ sụp đổ. Trong bóng tối, một cột nước cao hơn 42 m lao xuống hẻm núi San Francisquito với tốc độ 29 km/giờ. Cơn sóng thần nhân tạo này cuốn phăng mọi thứ trên đường đi: nhà cửa, đường sá, vườn cây ăn quả và đường ray xe lửa.

Mặt đất phía Bắc Los Angeles bắt đầu rung chuyển. Nhà cửa rung chuyển. Cửa sổ rung lắc. Một mảng lớn của con đập bị vỡ tung. Lượng nước khổng lồ với áp suất mạnh mẽ bắt đầu phun qua khe hở được tạo thành. Chỉ 2 phút rưỡi trước nửa đêm, sườn đồi ngay dưới phía Đông của con đập đã bị san bằng hoàn toàn.

Theo một phản ứng dây chuyền, con đập càng ngày càng có khe hở lớn hơn, vùng đất phía Tây cũng nhanh chóng có chung một số phận. Trong bóng tối, chẳng hề có một tín hiệu báo trước nào, thành đập được xây theo dáng một chiếc cầu thang đổ ầm xuống, tạo nên một trận nước lũ khủng khiếp.

Những người dân sống gần núi là những người đầu tiên cảm nhận được rung chuyển bất an của mặt đất, chưa kịp làm gì thì những con sóng đã tràn đến.

Đến khoảng 0 giờ 45 phút ngày 13/3/1928, cơn lũ - thứ mà những người sống sót sau này gọi là "bức tường đen khổng lồ" - đã rời khỏi hẻm núi San Francisquito, nhanh chóng đi về hướng Tây phía thung lũng sông Santa Clara nơi 10.000 cư dân đang say giấc.

Bị đánh thức bởi tiếng chó sủa, Smith nghe thấy tiếng ầm ầm, lập tức chạy lên vùng đất cao hơn, vừa hét lớn cảnh báo gia đình. Những phút giây quý giá đó đã cứu mạng ông, nhưng hàng trăm người khác không may mắn như vậy.

Sống cách hạ lưu 800 m, Harnischfeger, bạn gái và cậu con trai 6 tuổi của anh có thể là những nạn nhân đầu tiên, mặc dù thi thể của hai cha con không bao giờ được tìm thấy. Lũ lụt đã giết chết 65 nhân viên và thành viên gia đình tại một nhà máy điện gần đó, 84 công nhân của Southern California Edison ngủ trong lều tại một trại xây dựng và hàng chục người di cư Mexico làm nghề hái trái cây trong khu vực cũng không kịp thoát thân.

Con sóng khổng lồ đã đổ ập vào các nạn nhân, lột sạch quần áo của họ, khiến họ bị bầm tím và rách nát. Phải mất nhiều tháng để thu gom xác chết từ các đống đổ nát và bùn.

Dòng nước lũ hung dữ không chỉ gây chết người mà còn tàn phá môi trường. Nó mang theo đất đá, cây cối và cả xác người ra tận Thái Bình Dương. Các thi thể trôi dạt vào bờ xa tới tận San Diego, khiến việc xác định danh tính và thống kê chính xác số người chết trở nên vô cùng khó khăn. Các báo cáo chính thức ước tính số người thiệt mạng là 400, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Đón đọc kỳ cuối: Bài học đắt giá

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo History, worldhistory)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/tham-hoa-vo-dap-st-francis-o-my-bi-kich-vi-kieu-ngao-ky-1-20241202104528754.htm
Zalo