Giải phẫu xác cá cực hiếm giải mã loài cá voi bí ẩn nhất hành tinh
Cá voi Răng thuổng hiếm tới mức nó chưa từng được nhìn thấy ở dạng sinh vật sống trong môi trường tự nhiên; và đến nay, chỉ có 7 mẫu vật về loài này được ghi nhận.
Ngày 2/12, tại Trung tâm nghiên cứu Invermay ở Mosgiel, gần TP Dunedin trên Đảo Nam, New Zealand, các nhà khoa học quốc tế và địa phương cùng với cộng đồng người Māori bản địa, đã tiến hành giải phẫu xác con cá voi răng thuổng (spade-tooth whales), được cho là loài cá voi quý hiếm nhất trên thế giới.
Mẫu vật là xác một con cá voi đực dài 5 m, được phát hiện dạt vào bờ biển Otago ở Đảo Nam vào ngày 4/7.
Mẫu vật sau đó đã được bảo quản lạnh để phục vụ nghiên cứu.
Kể từ những năm 1800, cho đến nay chỉ có 7 mẫu vật loài này từng được ghi nhận, bao gồm 6 mẫu vật ở New Zealand và đây là mẫu vật hoàn chỉnh nhất.
Mẫu vật duy nhất hoàn chỉnh đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia nghiên cứu về động vật có vú, bởi kiến thức của họ có được về loài vật này cho đến nay, hoàn toàn dựa vào thông tin từ một số mẫu vật xương và mô, được tìm thấy rời rạc trong thời gian cách xa nhau hàng thập kỉ.
Cá voi Răng thuổng là một loài cá voi có mỏ được đặt tên theo đặc điểm răng của chúng.
Anton van Helden, cố vấn khoa học biển tại cơ quan bảo tồn New Zealand và là chuyên gia toàn cầu về loài cá voi có mỏ, cho biết, mặc dù họ đang làm việc với một sinh vật đã chết, nhưng nó chứa đựng những thông tin về đặc điểm, cũng như những bí ẩn chưa được giải mã về tập tính sinh sống của loài này.
Và vì vậy, theo ông Van Helden, đây là cơ hội hiếm hoi và có ý nghĩa toàn cầu.
“Cá voi có mỏ là nhóm động vật có vú lớn bí ẩn nhất trên hành tinh, chúng mệnh danh là loài ‘vua lặn sâu’ và hiếm khi được nhìn thấy ở biển.”, chuyên gia Van Helden cho biết.
“Đây là mẫu vật hiếm nhất trong số các mẫu vật hiếm, là mẫu vật thứ bảy duy nhất hoàn chỉnh được biết đến trên thế giới và là cơ hội đầu tiên chúng tôi có để thực hiện một cuộc giải phẫu như thế này.”, ông nói.
Mẫu vật đầu tiên về cá voi Răng thuổng được tìm thấy vào năm 1874, khi loài này được mô tả dựa trên xương hàm dưới và hai chiếc răng được tìm thấy ở quần đảo Chatham, ngoài khơi bờ biển phía đông của Đảo Nam New Zealand.
DNA lấy từ mô của hai mẫu vật được tìm thấy ở New Zealand và Chile vào năm 2010, một từ con cá voi mẹ và một từ con non, đã cho phép các nhà khoa học xác nhận một loài mới.
Trong một nghiên cứu năm 2012 về cá voi Răng thuổng, được công bố trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học lưu ý rằng một số loài cá voi có mỏ sống ở Nam Thái Bình Dương, nơi có những rãnh đại dương sâu nhất thế giới.
Nghiên cứu cho biết, loài cá voi này được cho là những “thợ lặn sâu khác thường”, dành phần lớn thời gian ở sâu dưới đáy đại dương để săn mồi.
Quá trình giải phẫu xác cá voi dự kiến sẽ mất 5 ngày. Các nhà nghiên cứu chủ yếu quan tâm đến việc thu thập dữ liệu mô tả loài và tìm hiểu tập tính của chúng.
Với việc quan sát cấu trúc, đặc điểm của bộ xương, nội tạng, cổ họng, thành phần dạ dày.. vốn khác nhau ở mỗi loài cá voi mỏ, để xây dựng thông tin cơ bản về loài, cũng như làm sáng tỏ một số bí ẩn, bao gồm cách chúng tạo ra tiếng kêu.
Các bộ phận của cá voi cũng sẽ được phân tích qua máy quét CT.