Giải mã bí ẩn về 'Vua cướp biển' biến mất cùng kho báu khổng lồ
Chỉ trong 2 năm lang thang trên biển, 'Vua cướp biển' Henry Avery và băng đảng đã chiếm được hơn 10 con tàu và thu về số chiến lợi phẩm khổng lồ.
Lời tòa soạn:
Từ thế kỷ 16 đến 19, những tên cướp biển khét tiếng nhất thế giới đã "chiếm lĩnh" nhiều vùng biển và tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Bên cạnh đó, các câu chuyện bí ẩn xoay quanh các vụ cướp biển cùng những kho báu chưa được khai quật càng khiến nhiều người tò mò. Dưới đây là những vụ cướp biển ly kỳ nhất trong lịch sử.
Bài 1: Những tên cướp biển khét tiếng nhất trong lịch sử thế giới
Điều đáng kinh ngạc nhất và không giống những tên cướp biển khét tiếng sau này như Blackbeard hay Jack Calico, Avery đã làm mọi việc mà không bị bắt hay giết.
Theo ATI và History, Henry Avery chào đời vào năm 1653 hoặc 1659 gần Plymouth, Anh. Khi còn trẻ, Avery được đào tạo thành thủy thủ và sau đó gia nhập hải quân hoàng gia, từng làm việc trên vô số tàu của hải quân.
Trong cuộc chiến 9 ngày giữa Anh và Pháp, Avery làm việc trên tàu HMS Rupert. Năm 1690, Avery được thăng chức và tham gia nhiều trận chiến chủ chốt trong chiến tranh. Không lâu sau đó, người này rời hải quân và trở thành kẻ buôn nô lệ.
Năm 1693, Avery tái xuất trong hồ sơ lịch sử với tư cách là thuyền phó của Charles II - một tàu cướp biển được thuê để cướp bóc tàu Pháp ở vùng Caribbean. Tuy nhiên, nhiệm vụ này khởi đầu chậm chạp và thủy thủ đoàn phải chịu cảnh khốn khổ ở một cảng Tây Ban Nha suốt vài tháng mà không được trả lương. Tháng 5/1694, lợi dụng tinh thần sa sút của thủy thủ đoàn, Avery chỉ huy một cuộc nổi loạn rồi chiếm tàu.
Sau khi đổi tên tàu Charles II thành Fancy, Avery và băng đảng lên đường tới mũi phía nam của châu Phi. Cuộc đột kích đầu tiên của họ diễn ra ngay sau đó, với việc cướp phá 3 tàu buôn đầu tiên ở đảo Cape Verde. Họ tiếp tục cướp bóc dọc theo bờ biển châu Phi trong nhiều tháng tiếp theo, bắt giữ các tàu của Pháp và Đan Mạch, tuyển thêm lính mới. Khi đến Madagascar vào giữa năm 1695, tàu Fancy đã trở thành một đoàn tàu nổi gồm khoảng 150 tên lưu manh.
Những thành công ban đầu đã giúp Avery được các thủy thủ kính trọng song người đàn ông này đã mau chóng để mắt tới một con mồi lớn hơn.
Avery biết một hạm đội của Đế quốc Mughal sẽ sớm rời cảng Mocha ở Biển Đỏ để trở về nhà tại Surat, Ấn Độ. Cùng với việc chở những người Hồi giáo hành hương từ Mecca trở về, đội tàu này sẽ bao gồm một số tàu buôn chở đầy hàng hóa và kho báu thuộc sở hữu của chính Đại đế Mughal của Ấn Độ.
Avery và băng đảng di chuyển tới Biển Đỏ vào tháng 8/1695 để chuẩn bị phục kích đội tàu Mughal. Để có hỏa lực đáng kể, Avery hợp tác với một số tàu cướp biển khác.
Chỉ vài ngày sau, bọn cướp biển phát hiện ra đội tàu 25 chiếc của Mughal đang hướng về phía đại dương và tổ chức tấn công. Hầu hết các tàu chạy thoát, nhưng Fancy đã thành công trong việc truy đuổi một tàu hộ tống cồng kềnh tên là Fath Mahmamadi. Sau một cuộc đấu súng ngắn, con tàu đã đầu hàng và giao nộp số vàng và bạc trị giá khoảng 50.000 bảng Anh.
Avery và đồng bọn tiếp tục cuộc săn lùng và rốt cuộc đã tóm được tàu chiến chủ lực của hạm đội Mughal là Ganj-i-Sawai. Không như các tàu khác, tàu Ganj-i-Sawai có khả năng tự vệ tốt hơn nhiều. Đây là tàu lớn nhất ở Ấn Độ, sở hữu hàng chục khẩu pháo và một đội 400 lính súng trường, số quân áp đảo toàn bộ nhóm cướp biển.
Vào một buổi tối ấm áp vào tháng 8, băng nhóm cướp biển dưới sự chỉ huy của Avery đã tấn công và cướp được tàu Ganj-i-Sawai trong vòng 2 giờ. Theo nhà sử học Ấn Độ Khafi Khan, sau khoảng 1 tuần ở trên tàu để tìm kiếm chiến lợi phẩm, đối xử tàn bạo với hành khách, nhóm cướp biển để mặc con tàu và rời đi.
Với số vàng bạc, trang sức trị giá tới 600.000 bảng Anh (tương đương hàng chục triệu bảng Anh ngày nay) lấy được từ cuộc tấn công đẫm máu, mỗi tên cướp biển có đủ tiền để sống cả đời. Avery trở thành tên cướp giàu nhất thế giới.
Vụ cướp tàu Ganj-i-Sawai là vụ cướp thu được nhiều chiến lợi phẩm lớn nhất trong lịch sử cướp biển. Sau đó, Henry Avery biến mất không dấu vết, trở thành một trong số rất ít những tên cướp biển trốn thoát với kho báu khổng lồ mà không bị bắt hoặc giết.
Cho đến ngày nay, không ai biết chắc chắn điều gì đã xảy ra với "Vua cướp biển". Một số người nói năm 1696, Avery đã đi nhờ tàu Sea Flower đến Ireland rồi sống phần đời còn lại trong yên bình. Những người khác cho rằng Avery đã trốn đến Madagascar và lập một vùng đất cướp biển ở đó, hoặc đã trở về quê hương Anh và chết trong cảnh túng quẫn sau khi bị lừa mất kho báu.
Tuy nhiên, hồi tháng 8 vừa qua, hai nhà thám hiểm xác tàu đắm đã phát hiện ra một bức thư được mã hóa do một người tên là "Avery the Pirate" viết, ở trong kho lưu trữ của Scotland. Bức thư đề tháng 12/1700 và được gửi cho mục sư James Richardson ở đường Orange, London.
Theo những nhà thám hiểm, bức thư này cung cấp bằng chứng cho thấy Henry Avery không chỉ quay trở lại Anh sau cuộc đột kích huyền thoại mà còn tham gia vào đường dây gián điệp của Vua William III vào đầu thế kỷ 18.