Thảm họa hàng không ở Hàn Quốc
Chiếc máy bay chở 181 người đã gặp nạn tại sân bay quốc tế Muan - Hàn Quốc, trong đó chỉ 2 người sống sót
Một máy bay của hãng hàng không Jeju Air đã bốc cháy sau khi trượt khỏi đường băng và đâm vào tường tại sân bay quốc tế Muan ở huyện Muan, tỉnh Nam Jeolla - Hàn Quốc ngày 29-12, khiến 179 người thiệt mạng và 2 người bị thương.
Theo hãng tin Yonhap, đây là một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Hàn Quốc cho đến giờ.
Yonhap cho biết chiếc máy bay Boeing 737-800 nói trên gặp nạn sau khi trở về từ thủ đô Bangkok - Thái Lan, chở tổng cộng 181 người, trong đó có 6 thành viên phi hành đoàn. Một hành khách và một thành viên phi hành đoàn (đều là phụ nữ) đã được cứu ngay sau vụ tai nạn, đang điều trị tại một bệnh viện ở TP Mokpo. Trong số 175 hành khách trên máy bay, có 173 người Hàn Quốc và 2 người Thái Lan.
"Chiếc máy bay gần như bị phá hủy hoàn toàn, việc nhận dạng các nạn nhân đang gặp nhiều khó khăn. Quá trình này mất nhiều thời gian khi chúng tôi tìm kiếm và thu hồi thi thể" - cơ quan cứu hỏa tại Muan cho biết.
Ông Lee Jeong-hyun, lãnh đạo cơ quan này, tiết lộ nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do máy bay va chạm chim kết hợp với điều kiện thời tiết bất lợi. Ông Lee nhấn mạnh nguyên nhân chính xác sẽ được công bố sau khi có kết quả điều tra chung. Các chuyên gia cũng nói với đài CNN rằng cần có thêm bằng chứng trước khi nhà chức trách Hàn Quốc có thể xác định chính xác nguyên nhân vụ tai nạn.
Hãng tin Yonhap dẫn lời cơ quan chức năng tại sân bay cho biết tai nạn xảy ra khi máy bay tìm cách hạ cánh khẩn cấp do sự cố hỏng hệ thống càng đáp.
Trong khi đó, theo tờ Korea Herald, người thân của một trong các hành khách đã nhận tin nhắn ngay trước vụ tai nạn. Theo đó, hành khách này cho biết máy bay không thể hạ cánh vì một con chim mắc kẹt trong cánh máy bay.
Korea Herald thông tin ở lần hạ cánh đầu tiên trên đường băng số 1, máy bay không hạ được và phải thực hiện thêm một vòng bay. Đến lần thứ hai, hệ thống càng đáp trục trặc dẫn đến tình huống hạ cánh khẩn cấp bằng bụng gần cuối đường băng.
Dù vậy, chiếc máy bay dường như không giảm tốc độ cho đến khi đến cuối đường băng và đâm vào các công trình ở rìa sân bay - các cơ quan chức năng thông báo. Một số nhân chứng cho Yonhap biết họ đã thấy lửa trong động cơ máy bay và nghe nhiều tiếng nổ trước khi tai nạn xảy ra.
Quyền Tổng thống Choi Sang-mok đã đến hiện trường vụ tai nạn - cách thủ đô Seoul 288 km về phía Tây Nam, gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Nhà lãnh đạo này đã chỉ định huyện Muan là vùng thảm họa đặc biệt, đủ điều kiện nhận sự hỗ trợ từ chính phủ sau tai nạn.
"Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân vụ tai nạn và đưa ra các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra các vụ tai nạn tương tự trong tương lai" - ông Choi cam kết.
Trong khi đó, ông Kim Yi-bae, Giám đốc điều hành Jeju Air, quả quyết chiếc máy bay không có dấu hiệu gặp vấn đề trước vụ tai nạn. Ông nhấn mạnh phải chờ thông báo chính thức từ cuộc điều tra của cơ quan chức năng về nguyên nhân thảm họa.
Một quan chức của Jeju Air cho biết chiếc máy bay đã hoạt động trong vòng 15 năm qua mà chưa xảy ra sự cố gì. Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên trong lịch sử của Jeju Air - được thành lập năm 2005 và là một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc.
Trước đó, vào ngày 12-8-2007, một chiếc Bombardier Q400 do Jeju Air điều hành chở 74 hành khách đã trượt khỏi đường băng do gió mạnh tại sân bay Busan-Gimhae. Vụ tai nạn khiến hàng chục người bị thương.
Năm kém vui của hàng không thế giới
Tai nạn máy bay ở Hàn Quốc xảy ra vài ngày sau vụ rơi chiếc máy bay của hãng hàng không Azerbaijan tại Kazakhstan, khiến 38 người thiệt mạng. Trước đó, vào tháng 8-2024, một chiếc máy bay của hãng hàng không Voepass (Brazil) rơi ở TP Sao Paulo - Brazil, khiến 62 người thiệt mạng. Còn vào ngày 24-1, một máy bay vận tải Ilyushin Il-76M của Nga đã bị rơi ở vùng Belgorod - Nga, khiến toàn bộ 74 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngoài ra, một số chuyến bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp do nghi va phải chim. Mới đây, máy bay chở 196 người của hãng American Airlines (Mỹ) hôm 12-12 va chạm với chim khiến 1 trong 2 động cơ bị hỏng ngay sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia ở TP New York - Mỹ. Máy bay sau đó buộc phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F Kennedy, cũng ở TP New York.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết các vụ máy bay va chạm với chim đang gia tăng, với khoảng 19.400 vụ tại 713 sân bay trên khắp nước Mỹ chỉ riêng trong năm ngoái. Tuy nhiên, chúng hiếm khi gây ra thiệt hại lớn đến mức buộc máy bay thương mại phải hạ cánh khẩn cấp. Theo phân tích của Công ty bảo hiểm Allianz Global Corporate & Specialty (Đức), trong giai đoạn 2013-2018, các vụ máy bay va chạm với chim đã gây ra thiệt hại 340 triệu USD.
Do nhiều vụ va chạm với chim xảy ra gần sân bay, các cơ quan quản lý có thể giảm rủi ro thông qua việc quản lý và kiểm soát chim. Theo đài Al Jazeera, các biện pháp gồm: sử dụng hệ thống radar để phát hiện chim và các hệ thống phát hiện tốt hơn để cảnh báo phi công điều chỉnh đường bay. Ngoài ra, có thể sử dụng tín hiệu báo động của chim, động vật giả hoặc dùng âm thanh và ánh sáng để hướng chim tránh xa máy bay gần sân bay.
Tại New Zealand, nhiều chuyến bay thường xuyên bị hoãn do chim trên đường băng. Vì thế, theo quy định, các sân bay phải có kế hoạch quản lý động vật hoang dã để giải quyết các mối nguy hiểm từ động vật trên đường băng. Bên cạnh đó, còn phải xử lý các địa điểm có thể thu hút động vật hoang dã gần sân bay, như bãi rác và vùng ngập nước.
Trong khi đó, tại sân bay Heathrow (Anh), chim ưng và diều hâu được huấn luyện để tuần tra không phận giữa các chuyến bay.
Xuân Mai