Áo không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Áo, Leonore Gewessler, tuyên bố rằng Áo không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga nữa vì nước này đã chuẩn bị đầy đủ cho quyết định đình chỉ thỏa thuận quá cảnh của Ukraine.
Quan chức này lưu ý rằng Ukraine đã nhiều lần tuyên bố quyết định đình chỉ quá cảnh khí đốt của Nga qua lãnh thổ của mình. Để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt không bị gián đoạn và không bị hạn chế, những người tham gia thị trường đã chuyển sang các nguồn thay thế, bù đắp cho những hạn chế về nguồn cung và đảm bảo việc giao khí đốt.
Ngày 1/1, Ukraine đã đình chỉ quá cảnh khí đốt từ Nga đến các nước châu Âu qua lãnh thổ của mình. Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị cho kịch bản này và có thể tiếp nhận khí đốt tự nhiên từ các quốc gia khác thông qua các phương pháp thay thế.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng nhắc lại rằng Ukraine sẵn sàng vận chuyển khí đốt đến châu Âu, miễn là khí đốt không phải có nguồn gốc từ Nga.
Tháng 11/2024, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho OMV (Áo) sau khi công ty này đe dọa sẽ tịch thu một phần khí đốt của công ty Nga để bồi thường cho một vụ kiện mà họ đã thắng.
Mặc dù dòng chảy khí đốt đến Áo vào thời điểm đó vẫn bị gián đoạn nhưng tổng lượng khí đốt Nga qua Ukraine - tuyến đường chính vận chuyển khí đốt Nga đến EU - vẫn duy trì ở mức 42,4 triệu m3 mỗi ngày, tương đương với mức trung bình trong năm qua.
Trước khi bị cắt, Áo nhận được 17 triệu m3 khí đốt mỗi ngày từ Nga, và số lượng khí đốt này đã tìm được người mua mới ở châu Âu. Công ty khí đốt quốc gia Slovakia, SPP, cho biết họ vẫn tiếp tục nhận được khí đốt từ Nga và cho rằng khí đốt Nga vẫn thu hút được "sự quan tâm lớn" ở châu Âu.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Nga cung cấp 35% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu, nhưng kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, Gazprom đã mất thị phần vào tay Na Uy, Mỹ và Qatar.
Ở kịch bản Ukraine đóng cửa tuyến đường vận chuyển khí đốt, lượng khí đốt lớn của Nga sẽ chỉ có thể được vận chuyển đến Hungary, quốc gia nhận phần lớn lượng khí đốt của mình qua một đường ống chủ yếu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.