Thái Nguyên: Hỗ trợ nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Với nhiều nỗ lực của tỉnh về cung cấp nước sạch cho đồng bào DTTS, đến nay, hơn 96% số hộ dân vùng DTTS và miền núi trong tỉnh đã được tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh, minh chứng cho hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).
Ngày 13/5/2024, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND nhằm triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. Theo kế hoạch này, tỉnh đặt mục tiêu cụ thể là 96,68% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong nội dung giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tỉnh Thái Nguyên dự kiến sẽ hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.260 hộ DTTS nghèo và hộ nghèo dân tộc Kinh, đồng thời đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình năm 2024 của tỉnh là 645.258,9 triệu đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 là 458.104,9 triệu đồng, bao gồm 398.352 triệu đồng từ ngân sách Trung ương (196.493 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 201.859 triệu đồng vốn sự nghiệp) và 59.752,9 triệu đồng từ ngân sách địa phương (29.474 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 30.278,9 triệu đồng vốn sự nghiệp). Ngoài ra, kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2022 và 2023 sang năm 2024 là 187.181 triệu đồng, trong đó 164.477 triệu đồng từ ngân sách Trung ương (20.547 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 143.930 triệu đồng vốn sự nghiệp) và 22.704 triệu đồng từ ngân sách địa phương (19.973 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 2.731 triệu đồng vốn sự nghiệp).
Với mục tiêu đảm bảo đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS lắp đặt téc nước, đường ống dẫn nước, xây dựng bể chứa và đào giếng. Đồng thời, tỉnh đã đầu tư xây mới 21 công trình nước sinh hoạt tập trung và sửa chữa, cải tạo 7 công trình tại các địa phương như Đại Từ, Phú Lương, Phổ Yên, Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên. Những công trình này không chỉ cải thiện điều kiện sinh hoạt mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tính đến tháng 11/2024, đã có trên 5.200 hộ được phê duyệt hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, 28 công trình nước sinh hoạt tập trung được xây mới và nâng cấp.
Thực hiện Chương trình, huyện Đồng Hỷ đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn từ Dự án 1 để đầu tư và cải tạo các công trình nước sinh hoạt, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng trăm hộ dân DTTS. Đến nay, huyện đã nâng cấp 5 công trình nước sinh hoạt tập trung, bao gồm các công trình tại xóm Tân Sơn với kinh phí trên 1,8 tỷ đồng, xóm Dạt gần 1,1 tỷ đồng, xóm Liên Phương (xã Văn Lăng) 300 triệu đồng, xóm Bãi Vàng (xã Hợp Tiến) xấp xỉ 1,7 tỷ đồng, và xóm Viến Ván (xã Quang Sơn) 350 triệu đồng. Ngoài ra, Đồng Hỷ còn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 413 hộ DTTS với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Huyện Võ Nhai hiện còn 2.156 hộ nghèo, chiếm 12,06% dân số, và 1.395 hộ cận nghèo, chiếm 7,8%. Theo rà soát sơ bộ và báo cáo từ các xã, thị trấn, số lượng hộ cần hỗ trợ để xóa nhà dột nát vẫn còn khá cao. Từ nguồn vốn Chương trình, huyện Võ Nhai đã đầu tư sửa chữa và xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung, mang lại nguồn nước hợp vệ sinh cho hơn 2.200 hộ dân. Các công trình này không chỉ cải thiện điều kiện sinh hoạt mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
Huyện Định Hóa, với 23 xã, thị trấn và 228 xóm thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, là địa bàn triển khai Dự án 1. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung, đem lại nguồn nước hợp vệ sinh cho 1.208 hộ dân. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 916 hộ nghèo gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Đại Từ đã triển khai 7/10 dự án thuộc Chương trình, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào xây dựng nhiều công trình quan trọng như hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, đường giao thông nông thôn, kênh mương và chợ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng đồng bào DTTS.
Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, huyện Đại Từ phấn đấu đến giai đoạn 2024-2029 sẽ đạt 100% hộ đồng bào DTTS được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ nước sinh hoạt, huyện Phú Lương đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và chính quyền các xã tiến hành rà soát, thống kê kỹ lưỡng nhằm đảm bảo không bỏ sót bất kỳ hộ dân nào thuộc diện thụ hưởng. Đồng thời, huyện cũng đánh giá cụ thể tình hình từng đối tượng và địa bàn để đầu tư công trình cấp nước tập trung và hỗ trợ trang thiết bị chứa nước, giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân.
Trong hai năm 2022 và 2023, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Lương đã đầu tư xây dựng 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn hơn 7 tỷ đồng. Các công trình này hiện đã đi vào hoạt động, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho khoảng 1.000 hộ dân tại các xã như Yên Ninh, Phủ Lý, Yên Đổ... Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc huyện đã triển khai các dự án cấp nước sinh hoạt phân tán, bao gồm xây dựng công trình cấp nước tự tạo cho 12 hộ dân và cấp phát téc nước inox cho 532 hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn bộ các hộ nghèo là người DTTS, cùng các hộ dân tộc Kinh thuộc diện nghèo tại những khu vực khó khăn, đều đã được hỗ trợ nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Trong năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Thái Nguyên sẽ giám sát toàn diện tình hình thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt thuộc Dự án 1. Hoạt động này sẽ tập trung vào đánh giá hiệu quả các công trình đã hoàn thành, tính hợp lý trong lập danh sách thụ hưởng, và việc giải ngân nguồn vốn. Đoàn giám sát sẽ trực tiếp khảo sát tại các địa phương như huyện Võ Nhai, Định Hóa – những khu vực còn nhiều hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Từ kết quả giám sát, tỉnh Thái Nguyên kiến nghị cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Trung ương trong việc ban hành các hướng dẫn cụ thể, đồng thời đề xuất bổ sung kinh phí để mở rộng và nâng cấp các công trình cấp nước hiện có. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp vào lĩnh vực cấp nước sinh hoạt cũng được xem là một giải pháp dài hạn để đảm bảo tính bền vững. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các chính sách, qua đó phát huy sự đồng thuận và tham gia tích cực vào việc vận hành và bảo vệ các công trình cấp nước.
Với các giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực từ các cấp, ngành, Thái Nguyên kỳ vọng sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào DTTS mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại các vùng miền núi, đặc biệt khó khăn trên địa bàn.