Hương cốm dẹp Bảy Núi
Món cốm dẹp âm thầm tồn tại giữa dòng chảy thời gian như hàng trăm loại bánh dân gian khác. Muốn nếm hương vị cốm dẹp để ôn lại chút ký ức tuổi thơ, chỉ cần ra chợ mua là có. Nhưng để được xem cảnh giã cốm, làm cốm bên bếp lửa bập bùng, thì phải đợi đúng dịp lễ của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer.
Theo những bậc cao niên trên địa bàn xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn), gần trăm năm trước, vào dịp lễ Ok Om Bok, nhà nhà trên địa bàn ấp Tà On đều vang lên tiếng chày giã cốm dẹp. Mùi thơm của nếp theo gió tỏa đi khắp xóm làng. Suốt quá trình chuẩn bị, ai nấy chia sẻ công việc, từ khâu chọn nguyên liệu, giã nếp đến rang cốm, tạo bầu không khí vui tươi, đoàn kết, gắn bó.
Hình ảnh ấm cúng và những thanh âm quen thuộc một thời nay đã lùi xa, làm bao người vừa nhớ vừa tiếc. Theo thời gian, việc chọn mua nếp để làm cốm dẹp gặp nhiều khó khăn, “cầu” ít hơn “cung”. Người dân ấp Tà On chọn công việc khác phù hợp hơn để mưu sinh, đổi đời. Nghề làm cốm dẹp dần mai một. Chiếc chày, cối như người bạn đồng hành trong tay nghệ nhân, giờ đã phủ bụi thời gian.
Trước đây, vào lễ Ok Om Bok, đồng bào phật tử, sư sãi và người có uy tín trong phum, sóc quây quần tham gia hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, như: Tụng kinh, thả đèn hoa đăng, làm cốm dẹp. Là món ăn truyền thống của đồng bào DTTS Khmer, cốm dẹp trở thành nỗi nhớ của những ai sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tri Tôn. Nghề làm cốm dẹp hiện nay không còn phổ biến như trước, những ai gắn bó cùng nghề vẫn luôn đau đáu mong có ngày được chứng kiến bầu không khí làm cốm dẹp rộn ràng trở lại.
Chị Neang Bane (43 tuổi) sống bằng nghề gói bánh ú lá tre. Ít ai biết thời con gái, chị là một trong những thợ làm cốm dẹp chuyên nghiệp trong ấp. Cạnh bếp lửa nấu bánh hàng ngày vẫn còn chiếc cối giã cốm dẹp của mẹ để lại. Chị nén tiếng thở dài: “Chiếc cối đó tồn tại hơn 60 năm, còn lớn tuổi hơn cả tôi. Hồi 15 tuổi, tôi được mẹ truyền dạy nghề. Sau khi lập gia đình, không có điều kiện làm thường xuyên, tôi chuyển sang bán bắp, hiện nay gói bánh ú. Trong xóm, nhiều người cũng bỏ chày, bỏ cối đi các tỉnh làm công nhân, chỉ còn vài nhà biết làm cốm dẹp”.
Làm cốm dẹp rất khó. Để có mẻ cốm thơm ngon, người dân phải gặt lúa nếp trước mùa thu hoạch. Bởi, hạt gạo nếp lúc này chưa già, còn độ mềm. Nếp mới được sàng bỏ hột lép, sau đó rửa thật sạch để hạt cốm có màu trắng tinh khôi. Kế đến, đem nếp rang nóng trong nồi đất, canh đều tay cho hạt chín giòn, không bị khét. Nghe hạt nếp nổ tí tách là chuẩn bị cho vào cối giã dẹp, tách vỏ. Hạt cốm ở công đoạn cuối cùng chỉ cần trộn thêm nước dừa, cơm dừa nạo, đường là đủ độ ngon hòa quyện.
Đồng bào DTTS Khmer chỉ trộn cốm dẹp chung với nước thốt nốt, hương vị ngon và thơm hơn rất nhiều. Cái ngon của món cốm dẹp được thừa nhận ngay ở mùi thơm đặc trưng, chưa nếm thử đã kích thích vị giác. Đó không chỉ là món ăn, mà còn là truyền thống đi vào máu thịt của mỗi người dân đồng bào DTTS Khmer. Những nguyên liệu quen thuộc hòa quyện vào một món đặc sản còn làm nên sự tự hào cho người dân về bản sắc riêng của mình.
Nghe nhắc đến chủ đề “cốm dẹp” giữa chúng tôi và chị Neang Bane, hàng xóm của chị là ông Chau Tích tìm sang nhà góp thêm vào câu chuyện. Trong đôi mắt lão nông gần 75 tuổi như sống lại ký ức thời trai trẻ. Thuở đó, thanh niên khoe “sức dài vai rộng” với tiếng chày, tiếng cối vang khắp phum vào những đêm trăng rằm. Nếp được mua từ buổi chiều, các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu sẽ diễn ra đến khuya. Rạng sáng, thợ làm cốm bắt đầu giã nếp, miệt mài đến trưa ngày hôm sau mới hoàn thành. Trung bình 1 giạ (50kg) giã mất khoảng 6 tiếng đồng hồ.
Ông Chau Tích cho biết, lúa nếp trên ruộng phải được “tắm mát” bằng nước mưa thì chất lượng mới cao, đạt được độ thơm ngon. Nếp canh tác thuở xưa có thời gian sinh trưởng khá dài, từ lúc gieo sạ đến thu hoạch 5 tháng, không giống như loại lúa nếp canh tác 3 tháng bây giờ. Mùi thơm của nếp rất đậm, cách xa hàng trăm mét vẫn nhận ra. Khắp vùng Cô Tô, Phnom-Pi, Sà Lôn, Ô Lâm đều có loại nếp đặc sản này. Tuy nhiên, hiện tại không còn nữa, vì mùa vụ kéo dài, lợi nhuận giảm dần, bà con ưu tiên chọn giống vượt trội về kinh tế hơn.
Với đồng bào DTTS Khmer, cốm dẹp vừa gần gũi lại vừa thiêng liêng, bởi đây là vật phẩm dâng cúng tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, cũng là món ăn mang đậm nét văn hóa đặc trưng. Món cốm dẹp ngày nay vẫn bán ở một số nơi trong huyện Tri Tôn. Cảnh giã cốm dẹp được tái hiện trong trường học dân tộc nội trú hoặc lễ hội văn hóa truyền thống, để các thế hệ có dịp biết đến. Đồng bào DTTS Khmer luôn mong mỏi món ăn truyền thống này sẽ được ngành chức năng quan tâm, bảo tồn, có hướng hỗ trợ cho hộ dân còn tâm huyết giữ nghề. Sẽ tuyệt vời hơn nếu món cốm dẹp được định hướng phát triển gắn liền với du lịch tại địa phương, du lịch trải nghiệm, giới thiệu với nhiều người gần xa…