Thái Lan khôi phục tài nguyên và hệ sinh thái biển để ổn định sinh kế bền vững
Tiền thân là trung tâm nhân giống ghẹ xanh dưới sự bảo trợ của Công chúa Maha Chakri Sirindhorn cách đây hơn 4 năm, đến nay, Trung tâm bảo tồn và nhân giống sinh vật biển đảo Koh Sichang (Thái Lan) đã mở thêm 4 ngân hàng nhân giống sinh vật biển nhằm mục đích khôi phục tài nguyên và hệ sinh thái biển.
Ngoài công việc chính là tiếp nhận, nuôi dưỡng sinh vật biển có trứng cho đến khi nở thành con để thả về biển, TS. Nilnaj Chaitanawisuti, phụ trách Trung tâm bảo tồn và nhân giống sinh vật biển đảo Koh Sichang (Thái Lan) còn kiêm thuyết minh, hướng dẫn cho các đoàn khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu về mô hình bảo tồn xanh này. Hiện, trung tâm gồm 8 người, vận hành 5 ngân hàng nhân giống sinh vật biển, gồm: ghẹ xanh, ốc hương, san hô mềm, cá mực và cá mập tre vằn. Đây đều là những sinh vật biển có giá trị kinh tế cao và có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái, giúp cho việc đánh bắt truyền thống của ngư dân trên đảo ổn định và bền vững.

Trung tâm bảo tồn và nhân giống sinh vật biển đảo Koh Sichang
“Ghẹ xanh là loài hải sản chủ lực được khách du lịch ưa chuộng, có giá cao. Trước giờ, nhu cầu về ghẹ xanh là lớn nhất. Tới đây, chúng tôi sẽ phát triển ốc hương thành loài hải sản chủ lực của địa phương vì nhu cầu cao và giá đắt, 1.000bath/kg (khoảng 795.000 đồng/kg – PV). Thực tế, trên đảo Koh Sichang không có ốc hương. Tuy nhiên, nơi đây có bãi cát là nơi cư ngụ của ốc hương. Chúng tôi mở ngân hàng ốc hương cách đây 1 năm. Đến nay, thả được hơn 1 vạn con. Khoảng năm sau, ốc hương sẽ góp mặt trên thị trường đảo”, TS. Nilnaj Chaitanawisuti cho biết.

TS. Nilnaj Chaitanawisuti, phụ trách Trung tâm bảo tồn và nhân giống sinh vật biển đảo Koh Sichang
Đối với cá mập tre vằn và cá mực, mặc dù là hai loại sinh vật được phép khai thác. Tuy nhiên, dưới sự vận động của Trung tâm, ngư dân khi bắt được cá mập tre vằn hay thấy trứng mực vướng vào lưới đều mang đến trung tâm để nuôi cho đến khi nở thành con rồi thả về biển. Điều này giúp số lượng sinh vật biển và hải sản trên đảo tăng lên, khiến cho công việc trên ngư trường của ngư dân thuận lợi hơn nhiều.

Khu vực nhân giống mực
“Trung tâm này nuôi trồng và nhân giống nhiều loại, từ cá, ốc, mực… Điều này giúp cho hải sản không bị cạn kiệt. Không chỉ đời tôi mà còn đời con cháu chúng tôi nữa. Tôi có đến trung tâm 2-3 lần, nhân viên làm rất tốt, mang lại lợi ích tuyệt vời cho người dân chúng tôi”, bà Phanomwan Punthavikirtikan, 58 tuổi, một ngư dân trên đảo chia sẻ.

Bà Phanomwan Punthavikirtikan, một ngư dân trên đảo
Khác với ghẹ xanh và ốc hương, san hô mềm là sinh vật được pháp luật bảo vệ. Người dân không được khai thác, mua bán và sở hữu. Hiện nay, san hô mềm trong tự nhiên ngày càng suy giảm nên Trung tâm tiến hành nhân giống thông qua việc hướng dẫn cách trồng và khuyến khích khách du lịch hoặc những người đến tham quan tham gia vào việc trồng san hô mềm. Theo đó, họ sẽ viết tên hay ký hiệu lên cốc trồng san hô, rồi để lại vườn ươm cho các nhân viên chăm sóc trong vòng 1 năm để thả về biển.

Chị Hathaimas Wanrat, nhân viên Trung tâm bảo tồn và nhân giống sinh vật biển đảo Koh Sichang
Đây là trung tâm đầu tiên và duy nhất ở Thái Lan trồng san hô mềm. Hàng năm, có khoảng 2 vạn khách du lịch và các nhóm đến tham quan và trực tiếp tham gia vào việc thả sinh vật biển và trồng san hô mềm tại Trung tâm.

Ốc hương được nhân giống tại trung tâm rồi thả xuống biển
“Chúng tôi có 2 vườn ươm san hô mềm dành cho khách du lịch và các nhóm hoạt động tham gia đóng góp vào quá trình nhân giống san hô. Đây cũng là cách chúng tôi nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong nước về việc góp phần bảo tồn tài nguyên biển Thái Lan”, chị Hathaimas Wanrat, nhân viên Trung tâm bảo tồn và nhân giống sinh vật biển đảo Koh Sichang cho hay.

Khai thác và chế biến hải sản là nghề chính của người dân đảo Koh Sichang
Hoạt động của Trung tâm được chính quyền địa phương đánh giá cao và hết sức ủng hộ. Chị Siyamon Thianngam, cán bộ Thủy sản huyện đảo Koh Sichang chia sẻ: “Đây được xem như một điểm du lịch thú vị trên đảo, là nơi nuôi trồng và nhân giống sinh vật biển, giúp nguồn lợi thủy sản tăng lên. Đặc biệt, nơi đây còn là nơi tập hợp ngư dân trên đảo. Bởi tất cả ngư dân trên đảo đều biết đến và phối hợp với Trung tâm".

Vườn ươm san hồ mềm tại trung tâm
Không những thế, chính quyền địa phương còn hỗ trợ hoạt động Trung tâm thông qua việc tổ chức làm các mô hình san hô nhân tạo thả xuống biển. Đây được xem như “những ngôi nhà trú ẩn tuyệt vời cho cá và sinh vật biển”. Sự đồng lòng và hợp tác của cả chính quyền, Trung tâm bảo tồn và nhân giống sinh vật biển đảo Koh Sichang và người dân đều hướng đến mục đích duy nhất là khôi phục tài nguyên và hệ sinh thái biển bền vững.