Sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao
Chiều 30/11, với 92,48% đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trước đó Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với tốc độ 350km/h, vốn đầu tư 67,3 tỷ USD, thời gian thực hiện đến năm 2035. Để đón đầu cơ hội này Đường sắt VN sẽ có những bước chuẩn bị về đào tạo nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao thế nào?
PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam xung quanh nội dung này.
PV: Để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao, ngành đường sắt sẽ phải làm gì để sẵn sàng nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, bắt kịp xu thế giao thông đường sắt hiện đại?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng mà chúng ta phải tính trước, làm sao để đào tạo đủ các lĩnh vực để phục vụ Đề án đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là nó khớp với tiến độ xây dựng, hoàn thành, bàn giao để quản lý vận hành.
Trước hết chúng ta phải lập đề án khoa học và quan trọng là phải phân ra đào tạo lứa đầu cho giảng viên, nhân lực cho các lĩnh vực lõi. Từ lứa đầu có thể nhân rộng ra bằng nhiều cách thức là đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, đào tạo hỗn hợp kết hợp giữa trong và ngoài nước, công tác này rất quan trọng.
Các lĩnh vực đào tạo như đào tạo cho giảng viên; đào tạo để phục vụ công tác xây lắp; đào tạo phục vụ cho công tác bảo trì, quản lý, vận hành, khai thác; thông tin tín hiệu…rất nhiều lĩnh vực. Nhưng chúng ta phải phân cấp, phân kì, phân lộ trình để tuyển dụng và đào tạo, có những lĩnh vực chúng ta phải đào tạo lại, đào tạo trên nền tảng nhân lực hiện nay đang làm cho đường sắt hiện hữu và có những lĩnh vực thì phải tuyển mới.
Vì thế chúng ta phải có một đề án khoa học và phải phân tích rất kỹ lưỡng, học tập kinh nghiệm quốc tế để tổ chức thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
PV: Được biết hiện nay Tổng Công ty Đường sắt VN đang có Trường Cao đẳng đường sắt, vậy chúng ta có tính đến việc nâng cấp Trường Cao đẳng đường sắt lên thành ĐH hoặc liên kết với các Trường ĐH để đào tạo đội ngũ chính quy phục vụ đường sắt tốc độ cao?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Hiện chúng tôi có Trường Cao đẳng đường sắt, đây là nơi cung cấp chính, đào tạo nguồn nhân lực cho Tổng Công ty đường sắt VN và cho ngành đường sắt hiện nay. Trong thời gian qua trường đã nhiều nỗ lực, đã liên kết với đào tạo để cấp bằng trình độ đại học, thậm chí còn liên kết để đào tạo cho những bằng cấp cao hơn.
Trong đề án tái cơ cấu và các bước sắp tới, chúng tôi đang đưa ra lộ trình để nâng cấp Trường Cao đẳng này thành Học viện đường sắt để đào tạo nguồn nhân lực vừa đáp ứng cho đường sắt hiện hữu, vừa đường sắt đô thị và vừa đường sắt tốc độ cao trong tương lai, chúng tôi đang xây dựng lộ trình và đề án.
PV: Nhân sự phục vụ đường sắt tốc độ cao hiện có 4 lĩnh vực chính gồm: Kỹ thuật xây dựng đường sắt tốc độ cao; Cơ khí đường sắt tốc độ cao; Kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao; Khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao. Vậy ĐSVN sẽ tập trung đào tạo ở khâu nào? Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao cần những cơ chế ưu đãi và tạo tạo điều kiện như thế nào?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Tổng Công ty đường sắt VN hiện đang tập trung đào tạo cả 4 lĩnh vực thì mới đáp ứng được cho công tác vừa xây dựng, vừa bảo trì, vừa quản lý vận hành khai thác. Về cơ chế chính sách, chúng tôi đang kiến nghị như cơ chế đặt hàng về đào tạo, nhà nước đặt hàng cho Tổng Công ty đường sắt VN hoặc cho các cơ sở, tổ chức đào tạo như Trường cao đẳng đường sắt để đào tạo.
Khi nâng cấp Trường cao đẳng đường sắt lên thành học viện sẽ có đề án và từ đề án sẽ tiến hành đặt hàng để đào tạo cho kịp thời với tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt mới cũng như đường sắt tốc độ cao và cả đường sắt đô thị.
PV: Xin cảm ơn ông!