Thách thức trong bố trí lãnh đạo chủ chốt khi sáp nhập Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng
Một trong những thách thức đặt ra khi sáp nhập TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng là việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là khó khăn trong quá trình bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình cùng Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và Hậu Giang vừa có cuộc họp bàn về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo chủ chốt của 3 địa phương đã trao đổi, thảo luận các nội dung trong nghị quyết, kết luận của Trung ương và thống nhất thành lập Ban chỉ đạo để triển khai việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.
Tạo điều kiện phát triển thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước
Đề án về phương án sáp nhập 3 tỉnh, thành đã đưa ra những đánh giá tác động tích cực và tiêu cực khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong đó, khi sáp nhập TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng sẽ tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính được tăng cường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhân dân tốt hơn...
TP Cần Thơ trong tương lai có diện tích 6.400,83km2 (đạt 426,72% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 4 triệu người; 99 đơn vị hành chính trực thuộc - 30 phường, 69 xã.
Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành này sẽ tạo thành đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư và mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển sẽ được chú trọng hơn. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp được kỳ vọng sẽ giảm bớt các đầu mối quản lý, tiết kiệm ngân sách và tạo thêm nguồn lực về đất đai, nhân lực cho đơn vị hành chính mới.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển thành trung tâm kinh tế, xã hội của khu vực và cả nước.
Việc sáp nhập sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, làm thay đổi diện mạo đô thị trung tâm, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho thành phố mới và góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động.
Kinh tế phát triển là tiền đề, điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển từ đó tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, chất lượng đời sống của người dân cũng không ngừng tăng lên. Cuộc sống của người dân được cải thiện do sự thay đổi theo hướng tích cực.

Khu vực bến Ninh Kiều của TP Cần Thơ. Ảnh: H.T
Việc sáp nhập TP Cần Thơ với Hậu Giang và Sóc Trăng cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bao gồm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Đời sống vật chất, tinh thần và ý thức cảnh giác của người dân sau sáp nhập được nhận định sẽ được cải thiện, góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đồng thời hạn chế các yếu tố làm phát sinh tội phạm.
Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, đồng thời góp phần tăng cường quốc phòng - an ninh và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một thách thức
Bên cạnh đó, việc sáp nhập 3 tỉnh, thành cũng có những mặt hạn chế như đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước.
Việc hợp nhất các đơn vị hành chính có thể giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, bước đầu cũng có thể xảy ra tình trạng phức tạp trong quản lý do địa bàn rộng lớn, khó khăn trong việc thống nhất các quy định, chính sách và sự khác biệt về văn hóa, phong tục giữa các địa phương được sáp nhập.
Đồng thời, việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là một thách thức, nhất là khó khăn trong quá trình bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt...
“Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn của các đơn vị hành chính được sáp nhập cần có thời gian để tìm hiểu và nắm bắt địa bàn, nhân dân khi chuyển đổi cũng có những xáo trộn, khó khăn nhất định trong việc hoàn thiện giấy tờ nhân thân và các loại giấy tờ về sở hữu tài sản", TP Cần Thơ đánh giá tác động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh sau khi sắp xếp sẽ tốn các chi phí phát sinh như thay đổi địa chỉ, bảng hiệu…
Ngoài ra, đơn vị hành chính mới thành lập có quy mô dân số lớn, ít nhiều cũng tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp, khó lường đối với tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiện, Bí thư Thành ủy Cần Thơ là ông Đỗ Thanh Bình (58 tuổi); ông Trương Cảnh Tuyên (56 tuổi) làm Chủ tịch UBND TP.
Ông Đồng Văn Thanh (56 tuổi) đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; Chủ tịch UBND tỉnh là ông Trần Văn Huyến (54 tuổi).
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng là ông Lâm Văn Mẫn (55 tuổi); Chủ tịch UBND tỉnh là ông Trần Văn Lâu (55 tuổi).