Hà Nội lên kịch bản cho từng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng đạt 8% trở lên

Ngày 22/4, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về đẩy mạnh tăng trưởng lĩnh vực kinh tế ngành năm 2025 trên địa bàn TP. Trong đó đề ra chỉ tiêu GRDP quý II tăng 7,93%, quý III tăng 8,18% và quý IV 8,53%.

Thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế

Theo đánh giá của UBND TP, kinh tế, thương mại thế giới phục hồi chậm, thiếu vững chắc; giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải có thể biến động mạnh, chuyển đổi số tiếp tục phát triển tạo ra những biến động nhanh, bất thường… Đó là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và sẽ là những thách thức tác động không nhỏ đến nền kinh tế.

Hà Nội lên kịch bản cho từng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh minh họa

Hà Nội lên kịch bản cho từng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh minh họa

Trong khi đó, mục tiêu đưa GRDP của Hà Nội tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển đột phá 2026 - 2030 được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Để tăng tốc, tạo đột phá, phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh tế ngành đảm bảo góp phần thúc đẩy phát quá trình phát triển KTXH của Thủ đô.

Kế hoạch đề ra chỉ tiêu GRDP quý II tăng 7,93%, quý III tăng 8,18% và quý IV 8,53%. Đồng thời đưa ra các kịch bản tăng trưởng lĩnh vực kinh tế ngành năm 2025. Như: nông, lâm nghiệp, thủy sản; quý II tăng trưởng 1,57%, quý III 4,37%, quý IV 4,35%; Công nghiệp: quý II 6,98%, quý III 7,47%, quý IV. 7,47%; Dịch vụ: quý II tăng trưởng 8,62%, quý III 8,65%, quý IV 8,93%...

Đi kèm với đó là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực kinh tế ngành như:

Sở Công thương phối hợp với các sở ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trung tâm thương mại, chợ… Tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; giải quyết các thủ tục liên quan nhanh nhất, giảm tối thiểu thời gian giải quyết so với quy định hiện hành.

Đẩy mạnh, tăng cường (về số lượng, chất lượng, quy mô) tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…

Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung phát triển nông nghiệp đa lĩnh vực, đa mục tiêu, tuần hoàn, phát thải carbon thấp. Nâng cao diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, thương mại điện tử. Tăng cường đầu tư vào hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất.

Sở KHCN tập trung phát triển và phổ cập mạnh mẽ mạng viễn thông 5G, mạng cáp quang tại hộ gia đình và các khu công nghiệp, trung tâm đô thị, điểm du lịch quan trọng; hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, hình thành kinh tế số trong nông nghiệp.

Sở Du lịch tận dụng lợi thế của Hà Nội để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch đêm... Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng du lịch, đưa ra các sản phẩm du lịch mới (gói combo), nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá điểm đến chuyên nghiệp hơn, nhằm thu hút khách du lịch chất lượng cao.

Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến xe buýt điện; Tham mưu ban hành phương án vé liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Triển khai hệ thống vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới vận tải công cộng…

Sở Tài chính chủ trì đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược; Thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) phù hợp với bối cảnh mới; tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng, chuyển giao công nghệ và phát huy các tiềm lực, thế mạnh của mỗi nước.

Đôn đốc các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công hàng quý; phấn đấu đạt giải ngân trên 95% trong năm 2025.

Rõ tiến độ, rõ hiệu quả

Theo Kế hoạch triển khai giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế năm 2025 lĩnh vực kinh tế ngành của UBND thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai các nhiệm vụ thường xuyên theo lĩnh vực, địa bàn; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình hành động của UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh năm 2025 và giải pháp trọng tâm, đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP.

Việc chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhất là những vấn đề phát sinh và phản ứng về cơ chế, chính sách linh hoạt, kịp thời, đảm bảo xử lý tốt các tình huống nhiệm vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xử lý công việc...

Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng; phát triển các ngành: Công nghiệp, thương mại, điện lực, du lịch, nông nghiệp…; hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh tế ngành là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kế hoạch nêu rõ, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ tập thể và cá nhân có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện trên nguyên tắc “rõ người, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”; xác định rõ lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành. Báo cáo cụ thể, đồng thời kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung. Kết quả việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực kinh tế ngành là cơ sở, một trong những tiêu chí xác định về mức độ hoàn thành công việc.

Kiểm điểm tiến độ, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội hằng quý, 6 tháng và tổng kết năm 2025.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-len-kich-ban-cho-tung-nganh-linh-vuc-de-tang-truong-dat-8p-tro-len.682363.html
Zalo