Thách thức mục tiêu lạm phát 4,5% năm 2025

4,5% là mục tiêu kiểm soát mức tăng chỉ số CPI năm 2025 của Chính phủ, tương đối thận trọng so với dự báo của các tổ chức, song cũng có thách thức nhất định.

Nằm trong kế hoạch điều hành kinh tế vĩ mô năm 2025, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu kiểm soát tỷ lệ lạm phát ở mức 4,5%. Con số này cho thấy quan điểm tương đối thận trọng của Chính phủ so với dự báo của một số tổ chức quốc tế.

Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo mức tăng CPI là khoảng 4,2% trong năm 2025 và sau đó giảm nhẹ xuống 4,1% vào năm 2026; trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng 3,5% cho chỉ số giá cả tiêu dùng.

Bình luận về mục tiêu của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho là khả thi nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên việc kiểm soát lạm phát năm 2025 sẽ không dễ dàng khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát như giá năng lượng, hàng hóa nguyên liệu đầu vào và biến động tỷ giá.

Thách thức

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc kiểm soát lạm phát là các biến động về giá cả toàn cầu. Giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào, và giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm có thể chịu sự tác động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài.

Mặc dù giá dầu đã có sự giảm nhẹ do yếu tố cung vượt cầu trong năm 2024 nhưng bất kỳ sự leo thang giá năng lượng nào trong năm 2025 đều có thể tạo ra áp lực lớn lên CPI của Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính - Học viên Tài chính cho rằng, sự phục hồi của giá dầu và nguyên liệu có thể đẩy giá cả hàng hóa lên cao hơn, từ đó gây áp lực lớn lên lạm phát.

Tỷ giá USD/VND và chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn như Mỹ có thể tạo ra áp lực lên đồng VND, đặc biệt nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên. Ông Độ đã chỉ ra rằng, sự biến động của tỷ giá USD/VND có thể làm tăng chi phí nhập khẩu và gây thêm áp lực lên lạm phát. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có các biện pháp can thiệp linh hoạt thì điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến CPI của Việt Nam.

Ở trong nước thì một số yếu tố như giá thực phẩm, nhà ở, và dịch vụ y tế, giáo dục có thể tác động mạnh đến CPI. Giá thực phẩm, đặc biệt là lương thực và thịt, có thể tăng do yếu tố cung cầu, thiên tai, hay sự biến động giá toàn cầu. Bên cạnh đó thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình cũng sẽ tạo thêm áp lực lên CPI. Giá nhà ở và vật liệu xây dựng cũng có thể tiếp tục tăng trong năm 2025, góp phần làm gia tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Áp lực lạm phát có thể đến từ các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu. Ảnh: Hoàng Anh.

Áp lực lạm phát có thể đến từ các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu. Ảnh: Hoàng Anh.

Giải pháp

Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát vào năm 2025, theo ông Long, Việt Nam cần triển khai một số giải pháp cụ thể.

Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, điều chỉnh lãi suất và cung tiền phù hợp với tình hình thực tế. Việc này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên CPI trong khi vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời việc điều tiết tỷ giá ngoại tệ cũng cần được chú trọng để tránh các biến động mạnh và giảm thiểu tác động từ yếu tố nhập khẩu lạm phát.

Chính phủ cần duy trì chính sách tài khóa thận trọng, kiểm soát bội chi ngân sách và gia tăng hiệu quả sử dụng ngân sách. Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ sẽ tạo động lực cho nền kinh tế mà không làm gia tăng áp lực lạm phát.

Nhà nước cũng cần thiết kiểm soát giá của các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, thực phẩm, thuốc men để tránh các tăng giá đột ngột. Việc duy trì nguồn dự trữ quốc gia sẽ giúp can thiệp kịp thời khi cần thiết. Đồng thời giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất và ổn định giá cả.

Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Việc phát triển ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp sẽ giúp giảm áp lực lên giá cả.

Việc công khai và minh bạch thông tin về tình hình lạm phát và các biện pháp điều hành sẽ giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và yên tâm hơn trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, tiêu dùng. Ngoài ra, truyền thông hiệu quả sẽ giúp tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ gây tăng giá.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mặc dù có những khó khăn không nhỏ nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì các giải pháp trên là khả thi. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa và kiểm soát giá cả sẽ giúp Việt Nam ổn định được CPI và đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2025.

Tuy nhiên, các biện pháp như tăng lãi suất hoặc kiểm soát giá có thể gặp phải phản ứng từ doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên cần được thực hiện một cách linh hoạt và cẩn trọng.

Ngọc Hân

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thach-thuc-muc-tieu-lam-phat-45-nam-2025-d38666.html
Zalo