Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Sáng 13-1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các đồng chí: Tô Lâm - Tổng Bí thư; Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương.
Tại điểm cầu Kiên Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức và chuyển tiếp hội nghị trực tuyến toàn quốc đến các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trực thuộc Bộ Chính trị gồm 19 thành viên, đồng chí Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện có gần 900 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ đô la Mỹ; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ đô la Mỹ.
Tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết số 57-NQ/TW chỉ rõ tính cách mạng, toàn dân, toàn diện của sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt...
Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra các nhóm mục tiêu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử…
Nghị quyết đề ra tầm nhìn đến năm 2045 là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; đồng thời, đặt ra các mục tiêu cao hơn trong giai đoạn đến năm 2045 là Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Để đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, ngành, các địa phương luôn quán triệt, xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai; xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua; xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là không khí và ánh sáng của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội để các trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm”. Cần tập trung trên các lĩnh vực vật lý và năng lượng; công nghệ thông tin và truyền thông; y học và sinh học (DNA, Gen, Vaccine, 3D..); công nghệ không gian; công nghệ vật liệu, năng lượng và môi trường; phát minh trong đời sống (3D, robot và tự động hóa, công nghệ thực tế ảo -VR và thực tế tăng cường- AR)... Cần chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để “đi tắt, đón đầu” làm chủ tương lai.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá như: Xác định phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động, các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng; mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể, bám sát mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW, với nhiệm vụ rõ ràng, phân công cụ thể, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.
Bên cạnh đó, phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách trong năm 2025 nhằm tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Chúng ta khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.