Thách thức của ngành cà phê
Năm 2024, ngành cà phê nước ta đi vào lịch sử khi xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 5,4 tỷ USD. Trong đó, Đắk Lắk-thủ phủ cà phê của cả nước đóng góp 18% tỷ trọng. Cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, song đang đối mặt với hàng loạt khó khăn xuất phát từ nội tại lẫn hoạt động xuất khẩu.
Vùng Tây Nguyên có khoảng 710.000ha cà phê, chiếm 94% diện tích cà phê của cả nước, trong đó, tỉnh Đắk Lắk có hơn 212.000ha. Một trong những yếu tố quan trọng giúp cây cà phê sinh trưởng tốt ở vùng Tây Nguyên là nhờ khí hậu phân rõ hai mùa khô và mưa. Mùa mưa kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc khi hết tháng 10, còn mùa khô bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc tháng 4. Thế nhưng, quy luật này đã không còn tuân theo quỹ đạo. Minh chứng là mùa khô năm 2025, thủ phủ cà phê Đắk Lắk chứng kiến những cơn mưa trái mùa kéo dài khiến nông dân “dở khóc dở cười”.
Ông Phạm Minh Tĩnh, người dân xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết: “Thời tiết năm nay không còn hai mùa rõ rệt. Trời cứ nắng được vài ngày lại gió rồi mưa phùn, trong khi thời điểm này cây cà phê cần trời nắng gắt để tưới nước làm bông. Với kiểu thời tiết bất thường này, cây cà phê dễ bị nở hoa chanh, không đậu quả dẫn đến mất mùa. Vì thế, tôi hay theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, đồng thời túc trực trong vườn để chăm sóc cây cà phê”.

Ông Phạm Minh Tĩnh tưới nước cho vườn cà phê của gia đình.
Cũng nhiều năm trồng cà phê, ông Nguyễn Văn Nam, người dân xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) bày tỏ lo lắng trước hiện tượng El Nino ngày càng diễn biến sâu sắc: “Tôi vừa tưới xong đợt 2 cho vườn cà phê. Năm nay mưa trái mùa nên nhà nhà phải lo tưới cho hoa nở đều nếu không sẽ nở hoa chanh. Vì nhà nào cũng lo tưới dẫn đến dòng điện quá tải. Tưới ngày không đủ phải tranh thủ tưới ban đêm. Tôi đang lo năm nay tháng 7 mới có mưa”.
Ngoài thách thức do thời tiết, hạt cà phê Việt Nam khi đưa ra thế giới cũng đang đối diện với hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Simexco Dak Lak (đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam), Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) yêu cầu tất cả sản phẩm cà phê nhập khẩu vào thị trường này phải chứng minh không liên quan đến nạn phá rừng. Muốn chứng minh, chúng ta phải áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đến tận vườn cây. Tuy vậy, vùng cà phê của Việt Nam còn nhỏ lẻ với khoảng 600.000 hộ dân. Chưa kể, người dân còn chuyển đổi chủ sở hữu, thay đổi cây trồng nên đòi hỏi phải liên tục cập nhật dữ liệu.
Ông Dũng cho biết thêm: “Ngoài yêu cầu về EUDR, các nhà nhập khẩu khác trên thế giới cũng không ngừng siết chặt quy định về mức dư lượng tối đa (MRL). Họ yêu cầu sản phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm soát hóa chất trong canh tác”. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk thông tin: “Những năm qua, nhờ chủ động áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận và các quy chuẩn trong sản xuất, chế biến nên chất lượng cà phê của Việt Nam nói chung, cà phê của Đắk Lắk nói riêng đã được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, ngành cà phê toàn cầu cũng ảnh hưởng mạnh đến ngành cà phê Việt Nam thông qua các yếu tố giá cả, nhu cầu tiêu thụ, tiêu chuẩn bền vững, biến đổi khí hậu và cạnh tranh”.
Các chuyên gia cho rằng, để thích ứng và phát triển ngành cà phê một cách bền vững, chúng ta cần cải thiện chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất bền vững và ứng dụng công nghệ để giảm tác động của khí hậu. Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh là chiến lược quan trọng để giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.