Đắk Lắk chủ động nước tưới mùa khô hạn
Mới đầu mùa khô, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có hiện tượng thiếu nước tưới cục bộ. Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, nhiều nông dân đã tích trữ nước trên ao, khoan giếng và thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm để có đủ nước chăm sóc cho cây trồng, phòng khi thời tiết nắng hạn kéo dài.

Chủ động nguồn nước, nhiều nông dân áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm. Ảnh: Phúc An
Nguy cơ hạn hán
Sau thời gian nghỉ Tết, bà Lê Thị Thanh Hằng, xã Cư Klông, huyện Krông Năng bắt đầu kéo ống tưới đợt đầu cho 1ha rẫy cà phê xen hồ tiêu và sầu riêng. Bà Hằng chia sẻ: "Tôi trồng cà phê hơn 20 năm, việc trồng, chăm sóc cà phê quan trọng nhất là thời điểm tưới nước. Vì vậy, ngay sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã kéo ống tưới nước để cà phê nở hoa đều, đậu nhiều quả. Gia đình cũng nạo vét, mở rộng diện tích ao chứa nước để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô. Nước dự trữ trong ao vẫn đủ để tưới vài đợt nữa".
Tương tự, gia đình bà Thái Thị Hải, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar lắp máy bơm tưới cho 2 đám rẫy hơn 1.000 cây cà phê. Bà Hải chia sẻ: "Cà phê là giống cây trồng cần nhiều nước, nên phải tưới thành nhiều đợt, nhất là thời điểm ra hoa, làm quả. Thường mỗi vụ cà phê, người dân tưới khoảng 3 đợt, năm nào hạn nhiều thì phải tưới 4 - 5 đợt. Mùa tưới quan trọng bậc nhất trong chu kỳ chăm sóc cà phê, quyết định lớn đến năng suất, sản lượng cà phê nên việc tưới nước cũng cần đúng thời điểm. Khi cà phê có nhiều mầm nụ thì phải tưới đủ nước thì mới hy vọng mùa vụ bội thu”.
Kết thúc mùa mưa năm 2024, tổng lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh là 1.544,2mm, thấp hơn so với những năm trước. Do đó, đầu vụ Đông Xuân 2024 - 2025, một số hồ chứa chưa đạt mực nước dâng bình thường. Nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đạt trung bình từ 80 - 90% dung tích thiết kế. Điển hình, có một số hồ chứa có dung tích trữ thấp như: hồ Vụ Bổn (45%), hồ Ea Kar (31%), hồ Ea Rớt (28%)... Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, diện tích ngoài vùng tưới của công trình thủy lợi, khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ vào cuối tháng 3 - 4/2025.
Nhiều giải pháp ứng phó
Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 850 công trình thủy lợi với gần 620 hồ chứa, hơn 160 đập dâng và 78 trạm bơm. Tính đến cuối mùa mưa 2024, nhiều hồ thủy lợi ở các huyện M’drắk, Ea Kar, Lắk, Ea H’leo chỉ tích nước đạt 50% đến 80% dung tích. Các hồ khác trong tỉnh, lượng nước cũng đang ít hơn từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2024. Ứng phó với khô hạn, nông dân Đắk Lắk có nhiều giải pháp chủ động nguồn nước. Ngoài việc dự trữ nước mặt, khoan giếng tưới trực tiếp bằng ống thì nhiều người trồng cà phê áp dụng công nghệ tưới tự động để tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu.
Gia đình anh Lê Anh Tiến, xã Ea Tân, huyện Krông Năng có 3ha cà phê và trồng xen một số loại cây ăn quả, mắc ca. Trong đó, 1ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, còn lại tưới bằng béc. Anh Tiến cho biết: "Trước đây, gia đình tôi tưới bằng phương pháp dí vòi nước vào gốc cây, tốn nhiều nước nên những đợt tưới sau thường thiếu nước. Cao điểm mùa khô cũng là mùa cây trồng cần nhiều nước nhất thì ao hồ lại cạn không có nước tưới, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Năm 2018, tôi tham gia Dự án cụm cảnh quan cà phê bền vững được hỗ trợ đồng hồ đo lượng nước tưới, hệ thống tưới tiết kiệm phun sương ở gốc. Nhờ đó, lượng nước tưới được đo chính xác, vừa tiết kiệm được 30-40% lượng nước, lại tiết kiệm điện, giảm chi phí đầu tư sản xuất mà năng suất cây trồng lại cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo".
Tương tự, anh Y Pôl Niê ở thị trấn Krông Năng đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để đảm bảo nguồn nước tưới cho 1ha cà phê xen sầu riêng của gia đình. Anh Y Pôl chia sẻ: Lắp đặt hệ thống nhỏ giọt chỉ cần bật công tác điện, thực hiện thao tác chỉnh van, nước bơm đều đến từng gốc cây. Sau 1 giờ đồng hồ, nước ngấm sâu xuống đất 30cm, đưa nước và chất dinh dưỡng đến cây trồng. Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng giúp tiết kiệm 90% công lao động, 50% chi phí điện, nước và rất phù hợp với điều kiện thời tiết mùa khô Tây Nguyên.
Theo số liệu Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, hiện, tỉnh có khoảng 212.106ha, trải rộng khắp 15 huyện, thị xã, thành phố và là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam. Sản lượng hàng năm đạt hơn 520 nghìn tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê cả nước.
Những năm gần đây, nhiều nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đầu tư quy trình tưới tiết kiệm theo phương pháp tưới nhỏ giọt, phun sương, phun cục bộ... cho diện tích cây trồng. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng tưới nước tiết kiệm vào sản xuất có nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm tối đa lượng nước, giảm nhân công lao động, tăng năng suất cây trồng. Từ đó, phát huy hiệu quả cao ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức độ thiệt hại sản xuất.