Ô tô TMT ghi nhận mức lỗ kỷ lục sau kiểm toán

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024 của Ô tô TMT. Sau kiểm toán, mức lỗ của công ty đã tăng thêm 9,87 tỷ đồng, từ lỗ 315,48 tỷ đồng lên mức kỷ lục 325,4 tỷ đồng.

Các khoản mục biến động mạnh như chi phí tài chính giảm 14,33 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 1,11 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23,06 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 0,97 tỷ đồng …

Theo lý giải của doanh nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 9,3 tỷ đồng sau kiểm toán chủ yếu do trích lập thêm chi phí lương tháng 13 và trích lập thêm dự phòng đối với các khoản công nợ phải thu khó đòi trên 3 năm. Đồng thời, Ô tô TMT cũng cho biết thêm, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt 4,8 tỷ đồng giảm thẳng doanh thu bán hàng thay vì ghi nhận ở các khoản giảm trừ doanh thu trên báo cáo tự lập.

Sau kiểm toán, lỗ ròng của Ô tô TMT tăng lên 325,4 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, lỗ ròng của Ô tô TMT tăng lên 325,4 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, Ô tô TMT báo lỗ ròng 325,4 tỷ đồng, đánh dấu sự đảo chiều mạnh mẽ so với khoản lãi 2,4 tỷ đồng đạt được trong năm 2023, tương ứng mức giảm lợi nhuận lên tới 327,75 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm tài chính 2024, biên lợi nhuận gộp đã rơi xuống mức âm. Cụ thể, lợi nhuận gộp ghi nhận âm 74,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt dương 169,85 tỷ đồng. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã phải kinh doanh dưới giá vốn trong năm qua, phản ánh sự sụt giảm tới 244,4 tỷ đồng ở chỉ tiêu này.

Tính đến ngày 31/12/2024, khoản lỗ lũy kế đã tăng vọt lên 269,98 tỷ đồng, tương đương 72,4% vốn điều lệ của công ty. Con số này trái ngược hoàn toàn với mức lãi lũy kế 52,7 tỷ đồng ghi nhận vào thời điểm đầu năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay tại cuối năm 2024 ở mức 630 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần vốn chủ sở hữu (tương đương 560,5%). Trong cơ cấu nợ vay, nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 442,9 tỷ đồng, còn lại 187,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Liên quan tới kinh doanh, trước đó trong tháng 2, Ô tô TMT đã thông qua việc chấm dứt hoạt động tại chi nhánh Đà Nẵng và chi nhánh nhà máy xe khách, xe bus TMT tại tỉnh Hưng Yên.

Lý do chấm dứt hai chi nhánh do chi nhánh Đà Nẵng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động và chi nhánh tỉnh Hưng Yên do tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, đồng thời không còn nhu cầu sản xuất kinh doanh xe khách, xe bus.

Được biết, kết quả kinh doanh của Ô tô TMT lao dốc khi công ty quyết định bán thêm dòng sản phẩm xe điện. Trong đó, doanh nghiệp bắt đầu giao những chiếc xe điện Wuling HongGuang Mini EV đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9/2023 tới nay, với mục tiêu bán ra 5.000 xe mỗi năm khi tham gia bán xe điện.

Đáng chú ý, Ô tô TMT vẫn lên kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm 2025, với sản lượng xe tiêu thụ ước tính sẽ đạt 8.075 chiếc, tổng doanh thu hơn 4.165 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 297 tỷ đồng.

Dù kinh doanh thua lỗ kỷ lục và gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng giai đoạn cuối năm 2024 tới tháng 2 vừa qua, cổ phiếu TMT lại liên tục nổi sóng. Từ ngày 19/12/2024 đến sáng ngày 24/2/2025, cổ phiếu TMT tăng gần 150%, từ 6.900 đồng lên 17.150 đồng/cp, sau đó rơi vào xu hướng điều chỉnh về 13.400 đồng/cp (chốt phiên 31/3).

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/o-to-tmt-ghi-nhan-muc-lo-ky-luc-sau-kiem-toan-1105830.html
Zalo