Thạch An khó khăn trong tiêu thụ bí xanh thơm
Bí xanh thơm tại huyện Thạch An đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, vụ bí xanh năm 2024, sản phẩm bí xanh thơm của người nông dân tại địa phương tiêu thụ khó khăn, đầu ra bấp bênh không ổn định.
Đến xóm Bản Muồng, xã Vân Trình, hình ảnh quen thuộc mà bất cứ ai cũng ấn tượng đó chính là những quả bí xanh thơm được xếp thành từng hàng dài dưới gầm nhà sàn, hiên nhà hoặc bãi đất rộng. Đặc biệt, từ khi bí xanh thơm ở Bản Muồng được công nhận sản phẩm OCOP, cùng với việc tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác đã tăng năng suất, sản lượng cây trồng; nhiều nơi biết đến bí thơm ở Bản Muồng là nông sản sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, 100% hộ gia đình trong xóm đều trồng bí thơm.
Anh Ngô Chí Biên, xóm Bản Muồng chia sẻ: Bí xanh thơm là cây bản địa, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, được trồng nhiều tại các xóm trên địa bàn xã Vân Trình. Đây là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Quả bí ở đây có đặc trưng riêng không giống với các loại bí xanh phổ biến trên thị trường. Bí xanh thơm có phủ phấn trắng bên ngoài, hình bầu dục, vỏ cứng, thơm, dẻo, vị đậm hấp dẫn người tiêu dùng. Đây là cây trồng thích hợp trên đất ruộng 1 vụ, đất nương rẫy, thời gian thu hoạch ngắn ngày, thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa, ngô. Ưu điểm của bí xanh thơm là quả to, đặc ruột, thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm, vỏ cứng dày nên sau khi thu hoạch có thể để được quanh năm.
Chủ tịch UBND xã Vân Trình Nông Thị Hà cho rằng: Việc phát triển cây bí xanh thơm là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thực hiện chương trình trọng tâm của huyện về phát triển các cây trồng nông nghiệp hàng hóa, xã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng bí thơm, coi đây là một trong những sản phẩm chủ lực nhằm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do đầu ra chưa đảm bảo nên việc tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích cần xem xét thấu đáo để đảm bảo cung cầu.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, hiện toàn huyện trồng 12 ha bí xanh thơm, tập trung tại các xã: Canh Tân, Đức Thông, Kim Đồng, Thái Cường, Vân Trình, Đức Xuân, Thụy Hùng, Lê Lợi; năng suất đạt hơn 57 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 70 tấn/năm. Bí thơm được huyện xác định là cây trồng thế mạnh để khuyến khích phát triển sản xuất.
Những năm trở lại đây, cây bí xanh thơm góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số xã của huyện và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm đầu ra gặp nhiều khó khăn, người dân chỉ tiêu thụ nhỏ, lẻ tại các chợ phiên, hơn nữa việc bảo quản sản phẩm chưa đúng quy trình dẫn đến giá bán đạt thấp. Đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, diện tích trồng bí xanh thơm chưa có các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết bao tiêu sản phẩm, còn lại bà con vẫn bán tự do cho tư thương đến thu mua tại địa phương.