Tết Trung thu rước đèn đi chơi…(*)
Những chiếc đèn lồng được xem là một trong những nhân vật chính của đêm rằm Trung thu. Hay nói cách khác, Trung thu là ngày Tết của những chiếc đèn lồng đầy màu sắc tuổi thơ. Từ mọi khu phố trong thành thị cho đến những cánh đồng thôn quê, không khó để bắt gặp những chiếc đèn lồng được thắp sáng lung linh.
(KTSG) – Những chiếc đèn lồng được xem là một trong những nhân vật chính của đêm rằm Trung thu. Hay nói cách khác, Trung thu là ngày Tết của những chiếc đèn lồng đầy màu sắc tuổi thơ. Từ mọi khu phố trong thành thị cho đến những cánh đồng thôn quê, không khó để bắt gặp những chiếc đèn lồng được thắp sáng lung linh.
Một tên gọi thân thương khác của đêm Trung thu là Tết trông trăng hay Tết ngắm trăng. Rằm tháng Tám nên trăng rất tròn và sáng. Ngày trước những đứa trẻ trong xóm tôi thường cầm những chiếc đèn lồng thắp bằng ánh nến, đi dạo quanh khu phố khoe vật phẩm quý báu với rất nhiều hình thù khác nhau như lồng đèn ngôi sao, lồng đèn long phụng, lồng đèn cánh buồm, lồng đèn quả chanh, lồng đèn con cá… được bố mẹ mua cho và cười đùa cùng nhau.
Bên cạnh sự đa dạng về mẫu mã, chất liệu để làm ra những chiếc đèn lồng cũng vô cùng sáng tạo, độc đáo, tiêu biểu là đèn lồng tạo ra từ giấy film đủ màu xanh đỏ, những đèn xách hay xe đẩy làm bằng ống lon nước ngọt, lon bia. Ngày nay, ngoài đèn truyền thống còn có đèn điện tử, an toàn và sạch sẽ nên được nhiều người sử dụng hơn. Đèn điện tử có thiết kế bắt mắt, gắn đèn LED phát sáng và nhạc được cài đặt sẵn.
Cùng với những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng ghi dấu kỷ niệm tuổi thơ, những chiếc bánh trung thu là đặc sản của đêm Trung thu. Trong gia đình, ba mẹ và dì út tôi thích bánh thập cẩm, riêng tôi thích hương trà xanh, có lẽ vì tôi ưa thích vị lạ lẫm, nhàn nhạt của matcha, vừa thơm ngọt tự nhiên, vừa có chút chát nhẹ nơi đầu lưỡi.
Với những ai đi làm xa, Trung thu là dịp để đoàn viên, sum họp. Chính vì vậy, Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên. Theo ghi chép từ thời Lý, Tết Trung thu được lựa chọn làm ngày lễ tạ ơn vị thần Rồng để gặt hái phước lành cho sự ấm no, sung túc trong vụ mùa mới. Cho đến nay như một lễ thức của người nông dân, mọi người sẽ sum họp bên nhau vào đêm Trung thu để cùng tạ ơn thần linh sau một mùa màng bội thu và cầu mong mưa thuận gió hòa sang mùa sau.
TPHCM là một trong những tỉnh, thành phố có nhiều những người dân từ khắp nơi trên đất nước đến đây định cư sinh sống. Đồng thời, nơi đây cũng thu hút không ít người nước ngoài đến nhập cư hoặc du lịch. Trên những con đường của thành phố mang tên Bác, tôi bắt gặp hình ảnh của nhiều người nước ngoài đang chung vui ngày Tết Trung thu với người dân nước ta, không còn khoảng cách về ngôn ngữ hay văn hóa, đó là điểm đến của hội nhập.
Bên ánh đèn lấp lánh của những chiếc đèn lồng, miếng bánh trung thu cũng trở nên ngon hơn hẳn. Đâu đó tôi thấy bóng dáng của những người dân xa xứ nơi đất khách quê người. Bởi lẽ không phải người xa xứ nào cũng có thể trở về đón Trung thu cùng gia đình. Một người bạn thân từ nơi xa của tôi chia sẻ rằng: “Trung thu có gia đình là vui lắm rồi”, để biết yêu thương và trân trọng những phút giây bên gia đình là vô giá.
Từng khu phố nhỏ bừng sáng trong tiếng nhạc réo rắt của đêm hội rước đèn, tôi mong rằng những người làm việc dù đang ở nơi đâu đều sẽ cảm nhận được niềm vui ngày Tết Trung thu.
(*) Lời bài hát thiếu nhi Rước đèn tháng Tám của nhạc sĩ Đức Quỳnh