Dịch giả Lê Đình Chi: Mỗi tác phẩm là một hành trình phiêu lưu
Trong cộng đồng dịch văn học nước ngoài, thông tin về dịch giả Lê Đình Chi không nhiều mặc dù anh thuộc nhóm dịch giả mà tên tuổi là bảo chứng cho chất lượng các tác phẩm chuyển ngữ ngay khi còn ở dạng nguyên bản.
Trên thực tế, anh không giao du nhiều với giới văn học hay giới dịch giả. Trong các mối quan hệ, Lê Đình Chi luôn giữ thái độ trung dung, rất dễ hiểu lầm là hờ hững, thiếu nhiệt tâm. Trên thực tế, đơn giản đó chỉ là một cách sống.
Từ những trang bản thảo “dịch chơi”...
Nếu mới chỉ gặp dịch giả Lê Đình Chi vài lần, nhiều người dễ đánh giá anh là người... “nhạt”. Có lẽ do lối biểu cảm không mấy sinh động khi nói chuyện, cách trả lời phỏng vấn hỏi gì đáp nấy, hỏi nhanh đáp gọn đến khó tin đã khiến anh bị nhiều người hiểu lầm rằng anh khô khan, không biết đùa, một “mọt sách” chính hiệu...
Lê Đình Chi là trưởng nam của nhà thơ Lê Đình Cánh (ông mất năm 2019). Công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Lê Đình Cánh từng là tay “bỉnh bút” về ký văn học và nổi danh trong làng thơ lục bát. Tủ sách đa dạng của “ông bố nhà thơ” giống như những “hạt mầm” nuôi dưỡng niềm say mê với sách vở của Lê Đinh Chi từ tấm bé. Ngôi nhà lọt thỏm trong mảnh vườn rộng trên đường Trường Chinh (Hà Nội) là nơi gia đình nhỏ của “dịch giả tay ngang” Lê Đình Chi cư ngụ. Cũng ở nơi này, anh bắt tay chuyển ngữ những trang bản thảo tiếng Anh, tiếng Pháp đầu tiên.
Ấy là về cơ duyên với công việc chuyển ngữ của anh. Gặp gỡ và trò chuyện thêm mấy lần, đi sâu vào các đầu mối của cái nhân duyên ấy, nghe Lê Đình Chi kể lể và ví von, mới “vỡ” ra “chân tướng” một dịch giả khéo ngụy trang bằng một “mặt nạ” hơi... chán đời.
Anh gọi việc tham gia các diễn đàn chia sẻ về các bản “dịch chơi” mà anh tham gia thời sinh viên là “buôn có bạn, bán có phường”. Tuổi 20, thấy mình dịch ra chữ nào, gõ phím xuống đều “hoành tráng” cả. Được những người bạn “ảo” động viên, Lê Đình Chi hăng hái “đẩy” bản dịch cho các nhà xuất bản và y như rằng, một “gáo nước lạnh” dội lên nhiệt huyết của chàng sinh viên trường Dược. “Sau này cầm lại bản dịch buổi ban đầu, mình cũng cảm thấy rất ngô nghê và thấy các nhà xuất bản thật có lý khi từ chối” - anh thú nhận.
Học đại học chuyên ngành Dược quả thật vốn không dành cho những người lười biếng, những bản dịch đầu tay bị chối từ, những tưởng Lê Đình Chi sẽ nguôi quên ảo vọng với sách. Thế nhưng anh quyết định đi học văn bằng 2 tiếng Anh vào buổi tối. Rồi cũng do những buổi tối rảnh rỗi của một chàng trai trẻ không ưa giao du, anh lại bị bạn bè kéo đi học tiếng Pháp. Và rồi anh may mắn kiếm được một học bổng đi học sau đại học ở nước Pháp.
Về công tác tại Đại học Dược Hà Nội, chính vì thường xuyên phải tiếp xúc với sách báo tiếng Anh mà vốn ngoại ngữ, nói như Lê Đình Chi, luôn ở dạng “sống”. Thế rồi tình cờ được giới thiệu tới NXB Công an nhân dân, anh dịch cuốn sách đầu tiên “The Shakespeare Secret” ("Bí mật Shakespeare" - lọt vào Top 5 cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ năm 2008, hiện tượng mới của làng xuất bản Mỹ với mức độ thành công tương đương với “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown). Đó là thời điểm năm 2010. Cầm trên tay cuốn sách hơn 500 trang do mình chuyển ngữ, với ai chẳng biết, với Lê Đình Chi thì cảm giác “được thêm tí tiền cũng thấy hay hay, vui vui”.
… Đến hàng loạt bản dịch văn học được công nhận
Đến nay, theo Lê Đình Chi, anh đã chuyển ngữ trên 30 cuốn. Cuốn “Lịch sử” ("Historiai") của tác giả Herodotus, do Nhà xuất bản Thế Giới liên kết với Công ty CP sách Omega Việt Nam phát hành được trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2020 của Hội Xuất bản Việt Nam cũng là tác phẩm ngốn nhiều thời gian của anh. Đây là lần đầu tiên, sách dịch giành được giải A tại giải thưởng danh giá này. Để có được điều đó, Lê Đình Chi mất tới 3 năm để hoàn thành việc chuyển ngữ cuốn sách hơn 800 trang được đánh giá là kiệt tác vượt thời gian, không chỉ là công trình nền tảng của lịch sử trong văn học phương Tây, mà còn đề cập về nhân chủng học, địa lý, thần học, triết học, khoa học chính trị và các vở bi kịch. Ba năm trong nhịp sống gấp gáp hiện nay là khoảng thời gian không hề ngắn nhất là anh lại dành để vùi đầu vào những trang bản thảo chuyển ngữ, đúng ra đó là sự kiên trì. Nói cách khác, sự kiệm lời, cộng với một chút cá tính độc, lạ, thích sống trong thế giới và lối tư duy riêng mình đã níu Lê Đình Chi ở lại thật lâu và thật sâu với những cuốn sách văn học bằng tiếng nước ngoài dày cộp, chi chít ngữ liệu, đầy thử thách với mọi dịch giả.
Chất lượng các bản dịch mang thương hiệu “Lê Đình Chi”, từ các tác phẩm văn học như “Bí ẩn quân hậu đen” (Arturo Pérez-Reverte), “Kiếm sĩ không trái tim” (Rafael Sabatini) hay “Những người nuôi giữ bồ câu” (Alice Hoffman) đến các pho sử thi như “Napoleon Đại đế” (Andrew Roberts) hay “Lịch sử - Historiai” (Herodotus) có sức nặng “bào chữa” cực kỳ lợi hại cho đường đến thành công mà Lê Đình Chi vẫn gọi vui là “đổi gió”, “làm công tác chuyên môn căng thẳng thì chuyển sang dịch. Thế thôi”. Nghe rất giản đơn, rất nhẹ nhàng, nhẹ nhõm nhưng nhìn thành quả là những tác phẩm dịch thì mới thấy Lê Đình Chi thực sự là một người... thích đùa. Anh đã thực sự “ăn dầm nằm dề” với những trang bản thảo chuyển ngữ, trong khi vẫn còn đó bộn bề công việc, giáo án, những bài giảng cho sinh viên, đam mê với môn bóng đá, và như bao người, trách nhiệm với gia đình.
Gần đây, Lê Đình Chi có dự định chuyển sang chuyển ngữ những tác phẩm văn học kinh điển nhưng chưa được khai thác một cách đầy đủ. Cuốn sách dịch mới nhất của anh là trọn bộ tiểu thuyết “Bá tước Monte Cristo” gồm 3 tập, dài tới 117 chương, dày 1.300 trang, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp kèm theo tranh minh họa của nhiều họa sĩ thế kỷ XIX, ra mắt độc giả vào năm ngoái...
Có thể nói, mỗi tác phẩm của anh là một hành trình phiêu lưu, tìm kiếm bản thể và giá trị của con người. Và trên hành trình ấy, ngòi bút chuyển ngữ của Lê Đình Chi đã vô cùng sinh động, linh hoạt, trải đời, thậm chí đôi chỗ tinh quái, dị biệt. Điều này cho thấy góc khuất trong con người dịch giả vốn trầm tính, lặng lẽ, lạc thời. Anh phiêu lưu theo cách của riêng mình, trong thế giới của chữ nghĩa, của văn chương mà không mưu cầu điều gì khác ngoài việc thỏa mãn chính sở thích của mình, và cũng bị chính văn chương, lịch sử lôi cuốn, dẫn dụ để chuyển ngữ hết cuốn sách này sang cuốn sách khác. Rõ ràng Lê Đình Chi không dịch văn học vì sự nổi tiếng. Nhưng dù là công việc trong hay ngoài chuyên môn, anh đều làm một cách nghiêm túc, cẩn thận để có những thành quả giá trị.
Dịch giả Lê Đình Chi sinh năm 1977 tại Hà Nội, hiện là PGS.TS, nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Dược Hà Nội. Anh chuyển ngữ thành công nhiều tác phẩm văn học và lịch sử lớn từ tiếng Anh và tiếng Pháp, như “Napoleon Đại đế” (Andrew Roberts), “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” (E.Keret), “Những người nuôi giữ bồ câu” (A.Hoffman)... Cuốn “Lịch sử - Historiai" (Herodotus), do Lê Đình Chi chuyển ngữ, được Hội Xuất bản Việt Nam trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2020.