Tết trồng cây - nhân lên nét đẹp đầu xuân
'Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân'. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' đã trở thành một phong trào rộng rãi, sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, tạo nên truyền thống tốt đẹp ngày xuân được đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 (1930 - 2025), tỉnh Quảng Trị chọn khuôn viên quy hoạch cây xanh Trung tâm Hành chính huyện Hải Lăng để tổ chức lễ phát động Tết trồng cây xuân Ất Tỵ 2025. Sự trùng hợp đặc biệt này càng tô thêm ý nghĩa tốt đẹp của Tết trồng cây.
Để lễ phát động Tết trồng cây mở đầu cho phong trào trồng cây của toàn tỉnh năm 2025 ý nghĩa, thiết thực, huyện Hải Lăng đã chuẩn bị 50 cây giống Giáng hương đảm bảo chất lượng, hoàn thành các công việc đào hố, đảo đất và phân bón tại hố trồng...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải chia sẻ, Tết trồng cây được phát động tại địa bàn huyện Hải Lăng là một hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 (1975 - 2025). Huyện xác định, trồng cây phải đảm bảo tiêu chuẩn cây giống chất lượng tốt, có giá trị kinh tế nhiều mặt, trồng, chăm sóc, quản lý cây phải có đơn vị quản lý cụ thể, hiệu quả đi đôi với cơ chế hưởng lợi.
Với sự kiện phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái gắn liền với việc phát triển KT-XH, hạn chế ảnh hưởng bởi thiên tai.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cấp, các ngành và Nhân dân trong toàn tỉnh đã duy trì tốt phong trào trồng cây, trồng rừng, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống thiên tai, phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo QP-AN. Năm 2024, với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, sự biến động của thị trường trong và ngoài nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào trồng cây xanh đã được nhân rộng hiệu quả.
Trong năm 2024, các địa phương đã trồng 154.414 cây xanh, trong đó có 31.214 cây xanh bóng mát, 123.200 cây xanh trồng phân tán các loại. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt, triển khai đến toàn ngành trồng mới 15.000 cây xanh các loại tại các trụ sở, trường học trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã thực hiện trồng rừng tập trung đạt 764,19 ha (sử dụng khoảng 1,52 triệu cây giống lâm nghiệp các loại), tổ chức chăm sóc, trồng dặm và bảo vệ tốt diện tích cây và rừng non mới trồng nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng tốt.
Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã triển khai trồng rừng tập trung trên 11.000 ha và trên 3 triệu cây phân tán, sản xuất trên 26 triệu cây giống lâm nghiệp các loại đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đưa vào tiêu thụ đạt khoảng trên 1,1 triệu m3, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh. Tỉ lệ che phủ rừng đạt mức 49,4%, góp phần quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, cảnh quan và giảm thiểu những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Để “Tết trồng cây” không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống, môi trường, mà còn trở thành nét đẹp văn hóa trong những ngày xuân, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây.
Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học... phát động phong trào trồng cây xanh ở trụ sở đơn vị mình. Tổ chức trồng cây theo kế hoạch, phù hợp tình hình thực tế. Tiến hành chăm sóc các cây đã được trồng, bảo đảm “trồng cây nào tốt cây ấy”. Vận động các địa phương, đơn vị thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Cụ thể, đối với các xã đồng bằng chọn và bố trí trồng cây ăn quả có giá trị cao cải tạo cây trồng cũ, trồng cây lấy gỗ ven đường, dọc bờ sông kết hợp xây dựng các hàng cây có tác dụng phòng hộ đồng ruộng. Đối với thành phố, thị trấn, trồng cây trên các đường phố, đường giao thông trọng yếu, công viên để tạo bóng mát và cảnh quan.
Trong các cơ quan, khu tái định cư, khu công nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện bố trí trồng cây xanh tạo bóng mát, cải tạo môi trường. Đối với những xã miền núi, lựa chọn cây trồng ở những gò đồi, vườn rừng, trang trại rừng theo phương thức nông lâm kết hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Tạo không khí thi đua sôi nổi, tạo hiệu ứng cho các cấp, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia việc trồng cây, trồng rừng dịp Tết Nguyên đán gắn với phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa phong trào Tết trồng cây trở thành phong trào tự giác và phát triển sâu rộng ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.