Tết Thanh minh tảo mộ liệt sĩ, nhớ câu hứa của cậu 'về hái bông lục bình'
Những ngày này, quê tôi tấp nập dòng người đi tảo mộ cúng ông bà. Nơi đây người dân xem Thanh minh là ngày Tết quan trọng thứ hai sau tết Nguyên đán.
Con cháu đi làm ăn xa, Tết không về kịp thường hẹn với ông bà, cha mẹ rằng Thanh minh sẽ trở về cúng viếng mộ phần cho người thân đã khuất.
Tôi cũng cùng mẹ trở về quê viếng mộ những người thân đã nằm xuống trên mảnh đất anh hùng trải qua bao mưa bom bão đạn trong chiến tranh. Trong căn nhà tình nghĩa được Nhà nước xây cất cho ngoại tôi - người Mẹ Việt Nam anh hùng ở Bạc Liêu đã đông đủ con cháu quây quần chuẩn bị hương hoa, bánh trái để cúng viếng.
Mùi thơm đặc trưng của nồi mắm kho đậm chất miền quê sông nước Nam Bộ lan tỏa khắp nhà. Vào ngày con cháu quây quần ở căn nhà của ngoại, mẹ tôi thường kho một nồi mắm đồng, món ăn gợi nhớ những kỷ niệm từ lúc hai cậu tôi hy sinh cho đến lúc ngoại mất. Không thể thiếu đĩa hoa lục bình đi kèm.
Tôi theo mẹ ra con sông quê trước nhà, hoa lục bình tím ngắt cả khoảng mênh mông. Ngồi nhìn anh chị bơi xuồng ba lá, hái những đóa hoa tim tím, mẹ tôi ngậm ngùi kể về khoảng nhớ năm xưa, thời còn đủ đầy anh em.
Chiều hôm ấy, khi nhận được tin hai cậu thứ năm và sáu lên đường nhập ngũ theo cách mạng. Ngoại tôi cùng mẹ tỉ mẩn chuẩn bị nguyên liệu, kho nồi mắm thật to để các cậu ăn trước khi vào đơn vị. Khi cơm nước đã xong xuôi, ngoại cùng mẹ ra con sông trước nhà gọi hai cậu đang vui đùa dưới dòng nước mát.
Nghe tiếng ngoại hối thúc, cậu nài nỉ “má cho tụi con tắm thêm chút nữa!”, dường như còn quyến luyến với mảnh đất quê hương.
Mâm cơm chiều dọn ra khi ánh hoàng hôn dần buông khuất sau những rặng bần mé sông. Nhìn tô mắm kho kèm rổ hoa lục bình cậu hái lên, ngoại buông câu “tụi bây đi rồi, má cũng chẳng ăn bông lục bình với mắm nữa…”. Cậu tôi trấn an “má đừng lo, cứ sống lạc quan, đợi tụi con về sẽ hái bông lục bình cho má!”...
Chợt tôi thấy đôi mắt mẹ đã ngấn lệ khi kể lại câu chuyện cho anh em chúng tôi.
Và đó cũng là buổi cơm cuối của hai cậu kể từ ngày ấy. Vì sau khoảng một thời gian, hai cậu tôi hy sinh. Hòa bình lập lại, cậu ba và cậu tư trở về thay thế hai đứa em hái bông lục bình cho ngoại mỗi khi bếp tỏa mùi mắm đồng chiều quê.
Nhưng những bữa cơm từ đó về sau mãi đẫm dòng nước mắt của người mẹ già lúc nào cũng đau đáu đưa mắt dõi ra sông, mường tượng hình bóng hai người con trai với câu hẹn trở về không bao giờ thành hiện thực.
Sau buổi cúng tại bàn thờ gia tiên, xế chiều tôi cùng mẹ và anh chị đến nghĩa trang liệt sĩ tỉnh để viếng mộ hai cậu. Bước qua cánh cổng, nghe những bài hát cách mạng vang vọng với không khí trang nghiêm, lòng tôi bỗng dấy lên xúc cảm nghẹn ngào lẫn niềm tự hào vì được mang trong người dòng máu anh hùng của cha ông.
Đưa mắt nhìn quanh, tôi thấy những cụ già lụm khụm ngồi bệt xuống ngôi mộ, miệng móm mém gọi con về ăn bánh, uống ly trà rượu. Chợt thấy chiến tranh đã gây bao cảnh xót xa khi người đầu bạc đưa tiễn người đầu xanh. Hình ảnh ấy như răn dạy con cháu đời sau rằng, hiện tại cuộc sống tự do chúng có được là nhờ có sự hy sinh, đánh đổi bao xương máu của ông cha ta thời trước, nên cần phải trân quý.
Bỗng con trai tôi reo lên khi thấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay dưới nền trời xanh thắm trong tiết Thanh minh tươi sáng. Bé nói đó là cờ Tổ quốc thiêng liêng mà cô giáo đã dạy ở trường. Và hôm ấy, tâm thức tôi cứ vang mãi câu nói của hai cậu qua lời mẹ kể, thấy thêm quý trọng, tiếp nối giữ gìn mảnh đất quê hương.