Độc đáo hương vị ẩm thực Tết cổ truyền

Với người sống xa nhà, những món ăn trong mâm cỗ đoàn viên vào dịp Tết cổ truyền luôn mang hương vị đặc trưng, nhớ mãi không quên.

Các món ăn ngày Tết của người Việt phong phú, độc đáo và mang đậm hương vị mùa Xuân. (Nguồn: Foodcity)

Các món ăn ngày Tết của người Việt phong phú, độc đáo và mang đậm hương vị mùa Xuân. (Nguồn: Foodcity)

Tết Nguyên đán của người Việt không chỉ có mùi hương trầm thoang thoảng, những cành hoa đào, hoa mai khoe sắc trong tiết trời se lạnh mà còn có những mâm cỗ đoàn viên với rất nhiều món ngon truyền thống độc đáo. Có thể nói, ẩm thực ngày Tết góp phần làm nên nét văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.

Những ngày Tết Nguyên đán, đồng bào dân tộc Kinh thường trang trọng đặt lên bàn thờ gia tiên mâm ngũ quả đẹp mắt, cặp bánh chưng vuông vắn và những đặc sản thơm ngon của địa phương mình. Trong mâm cỗ Tết, ngoài đĩa bánh chưng xanh quyện hương nếp với nhân đậu, thịt lợn gói trong tấm lá dong phảng phất hương vị núi rừng, còn có món dưa hành mang vị chua cay dịu nhẹ; những thỏi nem rán vàng ruộm, giòn tan; đĩa thịt gà luộc rắc lá chanh; món thịt đông và đĩa giò chả thơm ngon…

Bánh chưng xanh cùng dưa hành là một trong những món ăn quen thuộc trong ngày Tết. (Nguồn: Vua cua)

Bánh chưng xanh cùng dưa hành là một trong những món ăn quen thuộc trong ngày Tết. (Nguồn: Vua cua)

Khác với dân tộc Kinh, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) không thể thiếu những chiếc bánh dày, chai rượu ngô và chú gà trống sống đã được cắt tiết bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên. Trên bàn thờ, gia chủ đặt một nhúm lông gà đã tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, sau đó sẽ dán trên bờ tường - nơi trú ngụ của thần linh theo quan niệm của đồng bào Mông.

Những bữa sau, chủ nhà sẽ luộc thịt gà hoặc thịt lợn để cúng thần linh. Với người Pu Péo, ngoài phong tục đón giọng gà, bà con còn có tục gói hai loại bánh chưng là bánh chưng đen (ăn vào tối 29 tết để kết thúc năm cũ) và bánh chưng trắng (cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới). Trong 3 ngày tết, đồng bào Pu Péo không rửa bát đũa sau khi ăn mà chỉ dùng giấy lau sạch vì họ quan niệm nếu ngày tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.

Bánh dày - món bánh cổ truyền và hoạt động giã bánh giày không thể thiếu trong các dịp lễ, hội hay dịp Tết đến Xuân về của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc. (Nguồn: Far We Go)

Bánh dày - món bánh cổ truyền và hoạt động giã bánh giày không thể thiếu trong các dịp lễ, hội hay dịp Tết đến Xuân về của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc. (Nguồn: Far We Go)

Đối với đồng bào Tây Nguyên, ẩm thực trong ngày tết có ý nghĩa quan trọng, gắn với tâm linh, tín ngưỡng, kết nối giữa người sống và người đã khuất, giữa con người với thần linh. Mâm cỗ tết của đồng bào các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê-đê, M’Nông, Xơ-đăng, H’rê... thường có món thịt nướng và rượu cần.

Nếu như ngày thường đồng bào ăn cơm gạo tẻ với thức ăn nấu từ các loại rau rừng thì ngày lễ tết cơm gạo tẻ được thay bằng cơm lam. Thực phẩm chủ yếu trong ngày tết là thịt, trong đó các món nướng, tiết canh, nem sống dùng để dâng cúng thần linh và thiết đãi khách. Bên cạnh đó, đồng bào Gia Rai, Ba Na còn dùng phèo của những con vật bốn chân để chế biến thành các món ăn.

Thịt heo nướng ống tre đậm vị của người Ê-đê. (Nguồn: Daklak Tourism)

Thịt heo nướng ống tre đậm vị của người Ê-đê. (Nguồn: Daklak Tourism)

Trong không khí mùa Xuân nhộn nhịp, các gia đình người Cơ Tu ở Quảng Nam bày biện đầy đủ các món ăn từ truyền thống đến hiện đại. Nhiều món ăn hấp dẫn như bánh sừng trâu, rượu cần, thịt xông khói, ếch rừng… được chuẩn bị sẵn để đón tiếp khách quý tới thăm gia đình.

Có nơi người Cơ Tu còn chế biến cả món thịt ủ chua trong ống nứa, thịt ống thọc nhuyễn, rượu Tà-vạt, Tr’đin - loại rượu lấy từ thân cây đoác… là những món ngon chỉ xuất hiện trong những dịp lễ tết quan trọng.

Các món ăn thể hiện sự mộc mạc mà đậm đà, dân dã như tính cách, tâm hồn người Cơ Tu. (Nguồn: Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam)

Các món ăn thể hiện sự mộc mạc mà đậm đà, dân dã như tính cách, tâm hồn người Cơ Tu. (Nguồn: Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam)

Đối với đồng bào Khmer, mắm không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày mà còn là một gia vị đặc biệt. Trong đó, mắm pro-hốc làm từ nhiều loại cá nhỏ như cá sặt, cá chốt, cá lòng tong... dùng nêm cho hầu hết các món ăn trong ngày tết cổ truyền.

Ngoài ra, còn có loại mắm chua gọi là pò-ót làm từ tép mòng trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non. Canh Xiêm lo cũng không thể thiếu trong bữa cơm ngày đoàn tụ của người Khmer, gồm thịt, cá tươi, rau ngổ, chuối rém và được nêm bằng mắm pro-hốc.

Món bún Xiêm lo độc đáo của đồng bào Khmer. (Nguồn: Viện kỷ lục Việt Nam)

Món bún Xiêm lo độc đáo của đồng bào Khmer. (Nguồn: Viện kỷ lục Việt Nam)

Đặc biệt, món bún nước lèo đã trở thành một đặc sản của cư dân đồng bằng sông Cửu Long và được nhiều du khách ưa thích. Giữ một vị trí khá quan trọng trong ẩm thực lễ tết, bánh ngọt của người Khmer gồm có bánh củ gừng, bánh tai yến, bánh hột mít... nhưng đặc sắc hơn cả là bánh thốt nốt làm từ quả thốt nốt.

Tết trên khắp đất Việt còn rất nhiều món ngon. Tùy theo điều kiện khí hậu, sở thích mà mỗi vùng miền đều có những món đặc trưng. Có khi cùng một tên gọi, nhưng mỗi vùng miền lại chế biến theo hương vị khác nhau. Bởi thế mới nói, món ăn ngày Tết của người Việt phong phú, độc đáo và mang đậm hương vị mùa Xuân.

(theo Trung tâm Thông tin du lịch)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doc-dao-huong-vi-am-thuc-tet-co-truyen-299443.html
Zalo