Tết Thanh Minh hướng về nguồn cội
Với đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, Tết Thanh Minh (3/3 âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đây là dịp con cháu cùng về thăm nom, chăm sóc phần mộ ông bà, tổ tiên để tỏ lòng tưởng nhớ cũng như giáo dục thế hệ sau nhớ về nguồn cội gia đình.
Tết Thanh Minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch) hay còn gọi là Tết “so slam, bươn slam” (tức mùng Ba tháng Ba âm lịch) là ngày lễ quan trọng trong năm. Dù ai đi đâu, ở đâu cũng cố gắng trở về quê hương sum hộp gia đình và cùng nhau đi chăm nom, sửa sang phần mộ tổ tiên, ông bà...
Bà Nguyễn Thị La, xóm Sộc Khâm, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh cho biết: “Bà con người Tày, Nùng quan niệm, Tết Thanh minh là dịp để những người đã khuất như ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc được về gặp mặt con cháu. Khi ấy, con cháu phải đi tảo mộ và có thể cầu khấn để những người đã khuất “phù hộ độ trì” cho con cháu dồi dào sức khỏe, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi”.
Trước kia, các gia đình thường chuẩn bị đầy đủ các lễ vật trong Tết Thanh Minh như giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền... và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống tùy phong tục, tập quán của mỗi địa phương. Ngoài ra, còn có một bộ "tam sinh" là ba con vật gồm gà, lợn, bò.
Ngày nay, tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình để chuẩn bị lễ sao cho phù hợp nhưng mâm cỗ cúng tại mộ phần của người đã khuất thường có rượu, thịt gà, thịt lợn, hoa quả, bánh kẹo, hương vàng, giấy tiền và không thể thiếu đó là xôi đỏ đen (tiếng Tày - Nùng gọi là Khẩu nua đăm đeng). Gọi xôi đăm đeng nghĩa là có 2 màu, nhưng các gia đình đều thể hiện tấm lòng với các loại xôi nhiều màu sắc như đỏ, xanh, đen, tím, vàng... Xôi đăm đeng có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, được nắm vào bát nhỏ và nặn thành chóp cao, hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt và vẫn luôn mềm dẻo dù có để nguội.
Anh Lục Minh Dũng, người dân thành phố Cao Bằng cho biết: Người Tày, người Nùng quan niệm Tết Thanh Minh không thể thiếu xôi đăm đeng. “Các gia đình đi thường mang theo đủ các loại đồ cúng như gà, lợn, cá, hoa quả, tiền vàng…để thắp hương đủ cho tất cả các mộ. Các gia đình thường phải đi từ sáng sớm vì có gia đình có nhiều mộ, ở nhiều nơi khác nhau nên có khi đi cả ngày mới thắp hương, phát dọn hết các mộ được”, anh Dũng cho biết.
Không như nhiều đồng bào dân tộc khác đi tảo mộ vào dịp cuối năm hoặc vào Tiết Thanh Minh (thường sau lập xuân 45 ngày), người Tày, Nùng ở Cao Bằng đi tảo mộ đúng ngày 3/3 âm lịch. Ngày này, các em nhỏ cũng được theo người lớn, trước là để chúng biết những ngôi mộ của tổ tiên, sau là để hiểu hơn về truyền thống gia đình. Bên mộ phần người đã khuất, các bậc cao niên sẽ kể cho con cháu những câu chuyện về người quá cố và nhắc nhở con cháu chăm chỉ lao động, học tập, để xứng đáng công ơn tổ tiên, dòng họ.
Sau khi hoàn tất các thủ tục phát dọn, cúng lễ các ngôi mộ sẽ được cắm cây nêu nhiều màu sắc, thông báo con cháu đã hoàn tất việc tảo mộ. Chị Mông Thị Nga, người dân phường Hòa Chung, Thành phố Cao Bằng nói: “Tết Thanh Minh là ngày anh em gia đình gặp mặt đông đủ nhất trong năm, anh em chúng tôi mỗi người đều đi làm ăn xa ở một tỉnh, nhưng ngày này đều cố gắng trở về đông đủ, cùng về quê tảo mộ. Ngày này rất ý nghĩa, ngoài việc làm lễ cho tổ tiên thì còn là dịp nhắc nhở con cháu phải nhớ ơn ông bà, các cụ, những người đi trước…”.
Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, Tết Thanh Minh là dịp nhắc nhở những thế hệ hôm nay về quê hương, nguồn cội. Đó chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi người vẫn đang được người dân giữ gìn, phát huy.