Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm: Xem múa rối nước ở rạp chỉ có khách quốc tế, khán giả trong nước rất hiếm

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm khẳng định, để thu hút được giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng cần phải cho các em có cơ hội tiếp xúc ngay từ khi nhỏ tuổi. Đây chính là giai đoạn các em dễ dàng cảm nhận và từ đó sẽ gieo được đam mê cho các em.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật múa rối, cũng nhờ đó mà nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã có cơ hội tiếp xúc và gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống từ nhỏ cho đến bây giờ. Trải qua những thăng trầm của nghề, anh có nhìn nhận như nào về thực trạng của nghệ thuật truyền thống hiện nay?

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật múa rối, cũng nhờ đó mà nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã có cơ hội tiếp xúc và gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống từ nhỏ cho đến bây giờ. Trải qua những thăng trầm của nghề, anh có nhìn nhận như nào về thực trạng của nghệ thuật truyền thống hiện nay?

- Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm: Nghệ thuật truyền thống đang trong giai đoạn rất khó khăn, không chỉ riêng nghệ thuật múa rối nước. Để trở lại như ngày xưa thì rất khó. Trước đây có ít loại hình giải trí thì các môn nghệ thuật truyền thống thu hút được nhiều khán giả, trong đó không ít bạn trẻ. Nhưng ngày nay, thời kỳ internet phát triển, trẻ em có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều loại hình giải trí hiện đại. Đây cũng là lý do khiến cho giới trẻ quay lưng với hầu hết bộ môn nghệ thuật truyền thống. Trước đây, nghệ thuật truyền thống là món ăn tinh thần của mọi người, còn bây giờ có nhiều sự lựa chọn để khám phá.

Nghệ thuật múa rối là loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhưng hiện nay, có một thực trạng là không thu hút được giới trẻ mà hầu như chỉ là khách du lịch nước ngoài theo tour. Theo anh, nguyên nhân do đâu?

- Hiện nay, đi xem múa rối nước ở rạp hầu như chỉ có khách quốc tế, khán giả trong nước cũng rất hiếm. Nguyên nhân trước hết xuất phát từ việc giới trẻ không có nhiều cơ hội được tiếp cận với nghệ thuật truyền thống từ nhỏ và khi lớn lên sẽ không có cảm hứng. Đối với múa rối nước, đi diễn thì trẻ con vẫn thích, nhưng diễn để bán vé thì lại là một câu chuyện khác. Đi diễn theo hợp đồng, diễn miễn phí thì người xem rất đông, nhưng thực tế để bán vé hay vào rạp thì rất khó, nhất là trong các thành phố lớn. Mà nếu phục vụ miễn phí thì không thể có điều kiện.

Vậy theo anh cần làm gì để nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng có thể thu hút được giới trẻ?

Vậy theo anh cần làm gì để nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng có thể thu hút được giới trẻ?

- Để thu hút được giới trẻ đến với sân khấu truyền thống nói chung và rối nước nói riêng, trước hết vẫn là khâu tuyên truyền. Truyền thông rất quan trọng, nếu không quảng bá, tuyên truyền sâu rộng thì không chỉ giới trẻ mà ngay cả người lớn cũng sẽ không mấy mặn mà.

Cùng với đó, để các cháu biết, hiểu về nghệ thuật truyền thống và tiếp cận tốt hơn, cần phải đưa vào các trường học từ các cấp nhỏ. Khi được giáo dục, tuyên truyền ngay từ bé thì sẽ giúp cho các em nhỏ sớm được trải nghiệm và có cảm hứng với nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nói riêng.

Trước đây, cũng có một số nơi làm các chương trình, dự án về học đường nhưng lại dành cho học sinh cấp phổ thông, độ tuổi đã lớn thì hầu như là không được, không thành công. Như vậy, nếu muốn tuyên truyền để thế hệ sau biết, cần phải tuyên truyền từ rất sớm các cháu sẽ hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thống. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở thành phố mà còn cả ở nông thôn, khi giới trẻ không nghe và xem nghệ thuật truyền thống.

Tuyên truyền cũng cần đi đôi với tiếp cận thực tế. Theo quan điểm của tôi, những chương trình lớn có các nghệ sĩ nổi tiếng có thể triển khai lồng ghép với nghệ thuật truyền thống thì sẽ có những ảnh hưởng tốt hơn.

Để duy trì những giá trị truyền thống thì chúng ta cần phải tách bạch giữa truyền thống và hiện đại. Truyền thống là truyền thống, không nên gán với hiện đại. Cái gì thể nghiệm thì thể nghiệm, những giá trị truyền thống cần phải giữ nguyên. Mỗi người xào xáo một chút, một vài năm sau những giá trị gốc của truyền thống sẽ tự nhiên mất hết, trẻ con không biết nghệ thuật truyền thống như thế nào. Quan điểm của tôi là nghệ thuật có sức sáng tạo nhưng sự sáng tạo đó cần có điểm dừng, không thể đi quá giới hạn được.

Như nghệ thuật múa rối cũng vậy, rối nước là rối nước, sự sáng tạo, thể nghiệm không ai cấm, nhưng đưa cả rối cạn người thật vào thì không thể gọi là rối nước. Nước ngoài người ta sang chỉ xem rối nước, nên giờ chúng ta phải giữ gìn, thế mới gọi là bản sắc. Nếu đưa yếu tố hiện đại hay máy móc, công nghệ vào là không nên. Giá trị truyền thống là những cái đơn giản, thô sơ nhưng hoạt động sống động, như thật, đó mới là giá trị của nó. Tôi thấy ở nước ngoài, bây giờ người ta đầu tư rất nhiều tiền để sưu tầm, cho những nghệ nhân, để ghi lại, dựng lại cho thế hệ mai sau.

Phải chăng cần tạo cơ chế đặc thù để những người hoạt động nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng yên tâm gìn giữ và phát triển. Cùng với đó là thu hút giới trẻ?

Phải chăng cần tạo cơ chế đặc thù để những người hoạt động nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng yên tâm gìn giữ và phát triển. Cùng với đó là thu hút giới trẻ?

- Cơ chế là một trong những động lực để những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống yên tâm giữ lửa. Nhưng đó cũng không phải là tất cả, mà còn nhiều vấn đề khác nữa, đây chỉ là động lực để những người làm nghề yên tâm, có một cái gì đó để làm. Điều quan trọng nhất vẫn là những người làm phải thật sự tâm huyết. Nói chung là làm nghệ thuật truyền thống mang tính chất thương mại, chỉ để kiếm tiền thì không được, cần phải có tâm, yêu nghề mới làm được.

Trước đây mục đích mình làm không phải để đi Tây, đi nước ngoài, mà sự đam mê cứ trỗi dậy, cái gì đến sẽ đến, mình không nghĩ đến chuyện đó.

Nếu chúng ta quan tâm thật sự, nhất là với ngành giáo dục, kết hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ, ta có thể làm được. Ngoài đào tạo đội ngũ giáo viên về thanh nhạc, cũng có thể đào tạo về dân ca vì giữ truyền thống thì phải đi sâu vào vấn đề truyền thống, vào âm nhạc truyền thống. Còn nghệ nhân chỉ thỉnh thoảng đến giao lưu chứ không thể bằng cô giáo - người tiếp xúc hàng ngày với trẻ được. Nếu làm được những điều đó thì sau này các con có thể sẽ yêu thích, hoặc không thì cũng sẽ không bỏ qua truyền thống.

Trân trọng cảm ơn anh!

Phương Ngân - Thu Minh - Thanh Hiền - Hải Yến

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nghe-si-phan-thanh-liem-xem-mua-roi-nuoc-o-rap-chi-co-khach-quoc-te-khan-gia-trong-nuoc-rat-hiem-d203847.html
Zalo