Tết là gắn kết tình thân

Tôi đã nhiều lần đón Tết ở nước ngoài nhưng thấy không Tết đâu vui bằng Tết Việt Nam. Tết ở nước ngoài, những ngày đầu của một năm, người ta gọi là 'năm mới', là 'new year'. Nhưng đón những ngày đầu năm mới ở Việt Nam chỉ có một từ: 'Tết'. Một từ 'Tết' thôi mà bao hàm tất cả.

Gói bánh tét, trao yêu thương ngày Tết. Ảnh: PHẠM VĂN HOÀNG

Gói bánh tét, trao yêu thương ngày Tết. Ảnh: PHẠM VĂN HOÀNG

Tết ở Việt Nam là dịp để gắn kết tình thân, để khơi lại truyền thống tập tục cho con cháu tiếp tục giữ gìn, để tiễn đưa năm cũ với bao niềm vui, nỗi buồn và chào đón năm mới tràn trề ước vọng. Những ngày chuẩn bị vào Tết là tấp nập nhất, rộn ràng nhất. Tấp nập, rộn ràng nhất có lẽ là những chuyến xe xuôi ngược đưa người lao động từ các thành phố lớn về quê đón Tết. Sau một năm làm việc cật lực, người lao động chỉ mong tích góp được ít tiền bạc để Tết mang về quê sắm sửa nhà cửa và chuẩn bị một cái Tết tươm tất.

Tết chỉ là đơn giản thôi. Như tấm áo mới cho trẻ con, như bao lì xì đỏ chúc tuổi người già. Rồi thì “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” đã nghe mùi Tết rộn lên từ nhà ra ngõ. Thời công nghiệp phát triển, người lao động đổ về các thành phố lớn làm việc, “tự dưng” tạo nên một phong vị Tết nhà quê thật rộn ràng. Ngày thường, làng quê chỉ có người già và trẻ con. Tết đến, mọi người quay về, làng xóm lại đông vui. Tiếng chó hân hoan sủa ran đầu ngõ cùng tiếng chập cheng rộn ràng của bầy nhỏ múa lân khiến ai cũng thấy Tết nở hoa ở trong lòng.

Tết Việt Nam thật sự là nét văn hóa lớn, nó không bao giờ mai một bởi người Việt luôn hướng về nguồn cội để vỗ về tâm thức khi gặp bất cứ trở ngại hoặc khó khăn nào…

Không riêng gì làng quê, Tết ở Việt Nam, ai đi đâu xa cũng phải nhớ về ngôi nhà xưa của mình, nhớ về quê cha đất ổ; chậm lắm là chiều 30 Tết phải về để kịp đón giao thừa, để kịp “đạp đất nhà” chào năm mới. Cả năm mọi người quần quật học hành, làm ăn, Tết là dịp để tất cả buông bỏ mà về cùng nhau, đoàn tụ cùng nhau để nhớ đến ông bà tổ tiên, nhớ đến các ơn phước mà mọi người có được hôm nay.

Cảm giác bạn đi xa trở về nhà chiều 30 Tết thật lạ. Xóm làng tinh tươm hơn, sạch sẽ hơn; khói nhang nhà nhà rước ông bà về ăn Tết tỏa ra thiêng liêng, nghiêm cẩn. Dọc theo đường vào khu phố (xóm làng), nhà nhà đều chưng vàng rực những cúc, mai, hướng dương, mào gà… Màu vàng ngày Tết ở Việt Nam tượng trưng cho sự sáng sủa, thịnh vượng và sung túc. Chẳng thế mà khi đi chợ hoa ngày Tết, màu vàng của các loại hoa bao giờ cũng chiếm đa số. Những năm gần đây, khi pháo điện Trung Quốc trở nên phổ biến, những ngày chờ đón Tết, ta còn nghe tạch tạch đùng đâu đó xa xa… càng tăng thêm sự rộn ràng háo hức trước thềm năm mới!

Gắn kết tình thân trong mùa Tết không những là tình cảm, là sự tìm đến nhau, thăm viếng nhau - mà việc gắn kết này còn được thể hiện qua những món quà nho nhỏ. Tết ở Việt Nam, mọi người thường tặng hoa cho nhau. Chợ hoa các tỉnh, thành thường bắt đầu họp vào ngày đưa Ông Táo về trời (23 tháng chạp). Hoa bán ở các chợ hoa Tết cũng thượng vàng hạ cám. Ai nhiều tiền muốn mua hoa sang trọng thì có hoa lan, hoa mai, hoa đào… Mỗi chậu hoa (mai, đào) hoặc giò hoa (lan) có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng. “Bình dân” hơn một chút thì mua hoa cúc, thọ, hồng, thược dược… chỉ với giá vài chục ngàn đồng, bạn đã có thể chọn một cặp hoa đẹp để tặng người thân. Tết nhà có hoa mới hên, khởi đầu năm mới bằng chậu (giỏ) hoa tươi tắn trong nhà sẽ may mắn và phát tài phát lộc, chính vì vậy nên tự bao giờ hoa luôn là món quà quý mỗi khi Tết đến xuân về.

“Mùa Tết” ở Việt Nam thường kéo dài từ rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch của năm cũ) đến rằm tháng Giêng (tháng 1 âm lịch của năm mới). Một tháng trôi qua với bao hy vọng và dự định cho một năm mới tốt đẹp. Tết thật sự là một chu kỳ rất rõ ràng ở Việt Nam. Tết là cái mốc cho mọi sự khởi điểm và hanh thông.

Cùng với hoa, bánh mứt trái cây cũng được tặng như món quà Tết truyền thống. Tết tặng nhau cặp bưởi ngon, đẹp để cúng ông bà là quý hóa. Một hộp mứt thập cẩm, một hộp bánh ngon, môt ký hạt dưa… được tặng để đãi khách ba ngày Tết cũng là tình thương mến thương giữa người tặng quà và người được tặng.

Lì xì nhau tiền may mắn cũng là truyền thống tốt đẹp để mọi người gắn kết nhau trong ngày Tết. Những bao lì xì đỏ tươi tượng trưng cho tài lộc và sự may mắn, còn phần tiền bên trong thường mới và thơm, mệnh giá tờ tiền không quan trọng. Người lớn lì xì con nít cho con nít mau lớn, học giỏi; lì xì người già cho người già khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu. Bạn bè lì xì nhau để chúc nhau mọi việc hanh thông, làm ăn phát tài. Sếp lì xì nhân viên để nhân viên hợp tác làm việc cùng sếp tốt hơn trong năm mới. Có rất nhiều kiểu lì xì khác nhau tùy theo các mối quan hệ. Trong đó cũng có các kiểu lì xì “kém lành mạnh” mang tính chất hối lộ, nhờ vả. Giá trị các bao lì xì kiểu này rất cao (tùy theo mức độ hối lộ, nhờ vả). Tuy nhiên, hình thức lì xì này không được xem là “nét văn hóa” trong ngày Tết; đây chỉ là hình thức hối lộ, nhờ vả biến tướng.

Tết còn là dịp quan trọng để người người nhà nhà ngồi lại với nhau tổng kết những gì được mất trong năm đã qua. Điều tốt như học hành giỏi giang, tấn tới thì tiếp tục phát huy. Điều không hay như còn phiền lòng nhau về một điều gì đó thì nên xí xóa, bỏ qua. Người Việt thường nói “Tết mà, Tết mà” là như vậy. Tết luôn hướng đến điều hay lẽ phải để cuộc sống tươi đẹp và nhẹ nhàng hơn. Chuyện đề ra kế hoạch làm việc, tích lũy, phấn đấu trong năm mới cũng không kém phần quan trọng. Phấn đấu vào đại học, sửa sang lại cổng nhà, tích lũy một sổ tiết kiệm… cũng sẽ là may mắn và hiệu quả hơn khi mọi việc được bàn bạc trong mùa Tết.

Riêng tôi, Tết tôi thường nhớ mùi mứt dừa má “sên” lan tỏa khắp xóm làng. Mùi dừa sên với đường khen khét, thơm thơm, beo béo. Mùi dừa sên trên bếp giản đơn thôi mà theo suốt ký ức đời người. Nó gợi nhớ nhiều điều, không chỉ là vị ngọt thơm béo của món ăn ngày Tết. Gợi nhớ mùi mồ hôi tần tảo của má trong bếp xưa rực hồng ngọn lửa. Gợi nhớ ngày anh em thơ bé tung tăng quần áo mới ngồi quây quần bên nhau chơi bầu cua cá cọp. Gợi nhớ cây mai đầu hè rụng cánh vàng một góc sân. Gợi nhớ mùi lúa mới thơm thơm trong chiếc bánh cốm vàng ươm còn nóng hổi trên tay. Tất cả đều là sự gắn kết. Với người Việt, nếp sống gia đình là quan trọng. Nhưng ký ức mãi không phai về nếp sống ấy còn quan trọng hơn. Nó là hành trang quý giá cho lớp trẻ internet thời nay nhớ về nguồn cội, biết yêu kính ông bà cha mẹ, biết đối nhân xử thế trên đời.

Thu Trần

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/tet-la-gan-ket-tinh-than-28b406f/
Zalo