Để mùa lễ hội văn minh

Mùa Xuân chưa bao giờ lỡ hẹn. Cái khúc dạo đầu của Xuân mới với hương trời ấm áp cũng là lúc mùa lễ hội về trong rộn rã lòng người. Để mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, văn minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các ngành, địa phương có lễ hội làm tốt công tác tổ chức, quản lý.

Ở hầu hết các lễ hội, nhân dân địa phương dựng một cây nêu (ảnh chụp tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, TP. Thái Nguyên.

Ở hầu hết các lễ hội, nhân dân địa phương dựng một cây nêu (ảnh chụp tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, TP. Thái Nguyên.

Càng những ngày áp Tết Nguyên đán, các địa phương có lễ hội càng bận rộn hơn cho việc triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống. Một không khí bận rộn, song hết sức ý nghĩa vì mọi người được cùng nhau lo toan, thân thiện như trong một nhà.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong dịp đầu năm trên toàn tỉnh sẽ diễn ra gần 200 lễ hội truyền thống các cấp. Lễ hội được cư dân địa phương tổ chức với mục đích hướng thiện, thể hiện lòng tôn kính của các thế hệ cháu con đối với bậc tiền nhân có công lao với dân tộc, với quê hương và mong muốn một năm mới an lành. Đây cũng là dịp những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc được trao truyền, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các lễ hội diễn ra sớm như: Lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) và lễ hội Lồng tồng (Định Hóa)…

Mỗi lễ hội có nét khác biệt nên tạo được sức hấp dẫn, mời gọi nhân dân, du khách thập phương về dự. Để mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, ngày 9/1/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản số 86/ SVHTTDL-QLĐSVH về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, các địa phương có lễ hội thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy; UBND tỉnh về công tác quản lý, tổ chức lễ hội và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Cho chữ là một nét đẹp văn hóa tại các lễ hội Xuân (ảnh chụp tại chùa Hang, TP. Thái Nguyên).

Cho chữ là một nét đẹp văn hóa tại các lễ hội Xuân (ảnh chụp tại chùa Hang, TP. Thái Nguyên).

Trong những năm gần đây, các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh được tổ chức văn minh, thu hút được một số lượng lớn nhân dân trong, ngoài tỉnh đến dự. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội diễn ra an toàn, có nền nếp, trong không khí linh nghiêm, trang trọng, tiết kiệm, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân; góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ nhiều năm gần đây, các lễ hội được gắn với phát triển du lịch, nên các địa phương có lễ hội tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá trực tiếp và trên các nền tảng mạng xã hội; phần lễ được coi trọng, thực hiện đầy đủ trình tự.

Một số địa phương có lễ hội chủ động mở rộng quy mô tổ chức, chủ yếu mở rộng khu vực tổ chức lễ hội, các điểm trông, giữ xe, tạo thuận lợi cho nhân dân, du khách đến tham quan, chiêm bái. Phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú với các trò chơi dân gian, truyền thống.

Một số lễ hội tổ chức thêm không gian ẩm thực; trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương; trưng bày sinh vật cảnh; hội diễn văn nghệ quần chúng; thi trình diễn trang phục dân tộc; quảng bá xúc tiến du lịch; cho chữ. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tuyển dụng người lao động. Các hoạt động này góp phần làm không khí lễ hội thêm phấn chấn, sôi động và gần gũi, thiết thực.

An toàn cho nhân dân, du khách được đặt lên hàng đầu. Theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Các huyện, thành phố chủ động hướng dẫn ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích trên địa bàn thực hiện tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; có phương án phòng, chống cháy nổ; an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; có sơ đồ khu vực tổ chức lễ hội; biển chỉ dẫn tới các khu vực trong khuôn viên di tích và khu vực tổ chức lễ hội; bố trí, sắp xếp hợp lý khu dịch vụ, nơi sắp lễ, hòm công đức, giá để đồ lễ, nơi dâng lễ, đốt hương, hóa sớ, khu dịch vụ, khu vệ sinh, bãi đỗ xe, thùng chứa rác thải. Đảm bảo tiêu chí: “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn - Tiết kiệm”.

Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202501/de-mua-le-hoi-van-minh-93709f7/
Zalo