Tết Hàn thực, người Việt Nam và châu Á ăn món gì?

Tại Việt Nam, Tết Hàn thực có tục ăn bánh trôi, bánh chay. Vậy các nước châu Á thì sao?

Tết Hàn thực diễn ra vào mùng 3 tháng 3 âm lịch mỗi năm. Vì cái tên hàn thực có nghĩa là đồ ăn lạnh, vào ngày này nhiều gia đình thường nấu các món bánh làm từ bột gạo, đậu xanh để cúng gia tiên. Tại Việt Nam, Tết Hàn thực có tục ăn bánh trôi, bánh chay. Vậy các nước châu Á thì sao?

Việt Nam

Hàn thực là một ngày lễ của người Trung Hoa, nhưng được du nhập vào Việt Nam và bản địa hóa từ rất lâu. Ở Việt Nam, người ta thường làm bánh trôi, bánh chay để cúng và ăn. Bánh trôi được làm từ bột nếp nặn thành viên tròn, nhân đậu xanh, bên trên có mè, thả trôi trong nước đường. Còn bánh chay là bánh trôi không có nhân.

Xôi và bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực. Ảnh: Vũ Thu Hương.

Xôi và bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực. Ảnh: Vũ Thu Hương.

Đây là một trong các dịp lễ của năm âm lịch, gồm có Nguyên đán, Hàn thực, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung thu, Trùng cửu, Trùng thập, Táo quân, Trừ tịch. Ngày này tuy không được tổ chức rình rang như các dịp lễ khác, song người Việt vẫn giữ được truyền thống cúng và ăn bánh trôi, bánh chay đến tận ngày nay.

Bánh trôi tượng trưng cho sự sum vầy, viên mãn với hình ảnh những viên bánh tròn trịa, khăng khít. Trong khi đó, bánh chay thể hiện lòng thành kính, thanh tịnh với hương vị nhẹ nhàng, thanh tao, chỉ có vỏ là gạo nếp.

Xôi chè và bánh trôi, bánh chay trong mâm cúng Hàn thực của Việt Nam.

Xôi chè và bánh trôi, bánh chay trong mâm cúng Hàn thực của Việt Nam.

Dịp này ở các tỉnh phía Bắc, nhiều gia đình còn làm món xôi chè. Đây là món ăn kết hợp giữa xôi và chè, rất dân dã và dễ làm, nhưng cũng rất kích thích vị giác và bắt miệng. Xôi chè được dùng trong mọi dịp lễ hội, do đó dịp Tết Hàn thực không thể không thiếu món ăn này.

Phần xôi được làm từ gạo nếp và đậu xanh hoặc đậu đen, là món xôi đậu thường thấy. Trong khi phần chè thường là nước đường hoặc chè đậu xanh, đậu đỏ. Khi cho xôi khô vào nước chè sệt, ta có món xôi chè ngọt ngào thơm lừng, đó là hương vị của các địa phương phía Bắc.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc và cộng đồng người Hoa ở khắp nơi trên thế giới, người ta kiêng nấu nướng và dùng lửa vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Theo đó, người ta sẽ nấu sẵn đồ ăn vào ngày hôm trước để ăn vào hôm kiêng lửa. Vì lẽ này, thức ăn sẽ nguội và lạnh. Tục lệ này có từ thời Xuân thu, được thực hiện mỗi năm nhằm tưởng nhớ vua Tấn Văn Công.

Các loại bánh làm từ gạo nếp ở Trung Quốc vào ngày Hàn thực. Ảnh: My China Year.

Các loại bánh làm từ gạo nếp ở Trung Quốc vào ngày Hàn thực. Ảnh: My China Year.

Ngày nay, người Trung Quốc không còn ăn đồ nguội vào ngày này mà chỉ quây quần bên gia đình cùng tưởng nhớ điển tích xưa cũ. Ở một số vùng hoặc tại tỉnh Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây – nơi quê nhà của vua Tấn Văn Công, người dân vẫn nấu chè trôi nước với nước đường gừng để kỷ niệm ngày này.

Những loại bánh hiện đại cùng phần nhân sáng tạo trong ngày Hàn thực ở Trung Quốc. Ảnh: The China Project.

Những loại bánh hiện đại cùng phần nhân sáng tạo trong ngày Hàn thực ở Trung Quốc. Ảnh: The China Project.

Hàn Quốc

Hàn thực ở Hàn Quốc được gọi là Hansik, diễn ra vào ngày thứ 105 sau Đông chí, tức là ngày 5/4 mỗi năm. Đây là dịp để chào đón những ngày xuân ấm áp sau chuỗi ngày tuyết phủ lạnh giá.

Một cuộc thi làm bánh ngọt ở Hàn Quốc vào năm 2017.

Một cuộc thi làm bánh ngọt ở Hàn Quốc vào năm 2017.

Ngày nay, người Hàn không còn ăn đồ nguội mà thường tổ chức các cuộc thi làm bánh ngọt, bánh dân gian. Hàn thực cũng trùng vào ngày hội trồng cây, nhiều người sẽ dọn dẹp và trồng cây xanh ở quanh mộ người thân quá cố.

Khánh Duy

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/tet-han-thuc-nguoi-viet-nam-va-chau-a-an-mon-gi-c12a71823.html
Zalo