Tết đến lại lo… 'rượu bẩn, rượu độc'
Số vụ ngộ độc và tử vong do rượu xảy ra quanh năm nhưng nhiều hơn cả là vào dịp Tết Nguyên đán, khi mà mọi người được nghỉ ngơi với các bữa tiệc ăn nhậu triền miên…
Theo các bác sĩ, tình trạng ngộ độc rượu và tử vong là do nạn nhân đã uống phải loại rượu có nồng độ cồn công nghiệp methanol cao...
Từ lâu, trên thị trường có rất nhiều loại rượu bày bán phục vụ người dân. Chúng được chưng cất, pha trộn bằng vô vàn các loại men, hóa chất độc hại nhập lậu. Những loại rượu độc hại có thể gây chết người như vậy không được cơ quan chức năng kiểm soát hoặc kiểm soát không hết thật quá nguy hiểm!
Nhiều người gọi các thứ rượu không nhãn mác, không đảm bảo sự an toàn ấy là... "rượu bẩn, rượu độc" quả không sai chút nào, bởi chỉ cần bất cẩn sẽ mất mạng như chơi, hoặc chí ít thì cũng rước bệnh tật vào người.
Rượu nấu từ gạo, ngô... kết hợp với men thì hàm lượng methanol sinh ra trong quá trình nấu rượu là có nhưng rất ít, không đáng kể và nó không hề đáng ngại với sức khỏe con người nếu uống với liều lượng vừa phải. Đây có thể được xem là… "rượu sạch". Còn với các loại "rượu bẩn, rượu độc" từ lâu vẫn tràn lan trên thị trường và… đầu độc mọi người là loại rượu được pha cồn công nghiệp với hàm lượng methanol cực cao. Có khi, chỉ có một chút rượu lẫn nước ở trong thứ hỗn hợp mà người ta gọi là rượu đó, còn lại chủ yếu là cồn và hóa chất độc hại. Và con người khi uống phải loại "rượu" này thì tổn hại đến sức khỏe, thậm chí mất mạng nếu uống quá nhiều.
Cồn công nghiệp gây tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, cộng thêm tình trạng tổn thương tạng, suy gan, suy thận... Sở dĩ có rất nhiều rượu pha cồn công nghiệp này trên thị trường vì người bán chỉ nghĩ tới lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe và sinh mạng của người khác.
Ngoài loại "rượu bẩn, rượu độc" pha cồn công nghiệp ra thì có một loại rượu khác cũng rất đáng ngại là rượu được pha chế từ hóa chất Trung Quốc kết hợp với nước. Loại rượu này mang lại lợi nhuận rất cao, thậm chí là siêu lợi nhuận cho những người điều chế.
Người ta chỉ cần mua một loại bột hóa chất do Trung Quốc sản xuất, rồi pha chế với nước lã để cho ra một hỗn hợp rượu với đầy đủ mùi, màu giống hệt rượu gạo thứ thiệt. Sự độc hại của loại rượu này ra sao chắc chỉ có các nhà khoa học, cơ quan y tế kiểm chứng, chứ người dân chỉ có thể đoán biết một điều chắc chắn rằng, những loại hóa chất này luôn mang tới nhiều hiểm họa và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe con người.
Một loại "rượu bẩn, rượu độc" khác từ lâu luôn hiện hữu, trôi nổi trên thị trường là rượu được nấu từ gạo, ngô... hẳn hoi nhưng đã được pha loãng ra. Sau đó, người ta tăng nồng độ cồn trong rượu lên bằng cách khá đơn giản. Họ chỉ cần nhỏ vào rượu một vài giọt thuốc sâu (thuốc bảo vệ thực vật) và khi đó, nồng độ cồn tăng lên... chóng mặt.
Từ thực trạng "rượu bẩn, rượu độc" tràn lan trên thị trường như vậy, rất mong các cơ quan chức năng, ban ngành có liên quan tăng cường kiểm nghiệm, giám sát các mặt hàng rượu. Khi kiểm nghiệm phát hiện cá nhân tập thể nào nấu, pha chế "rượu bẩn, rượu độc" thì phải phạt thật nặng.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, mọi người cần thật thận trọng khi mua và uống rượu. Tuyệt đối không mua rượu trôi nổi ngoài thị trường mà nên mua ở những nơi uy tín, biết rõ xuất xứ, nguồn gốc…
Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế uống rượu, bởi nếu quá lạm dụng rượu và các thức uống có cồn sẽ không có lợi cho sức khỏe. Và với những người tham gia giao thông thì tuyệt đối không nên uống bia rượu.