Tên phường mới là biểu tượng văn hóa và điểm tựa tinh thần
Theo chuyên gia, việc đặt tên phường là 'Sài Gòn' tại vùng lõi trung tâm có giá trị gợi nhớ và gắn kết rất cao; gọi một phường nào đó là 'Chợ Lớn' nếu nằm trong khu vực mang đặc trưng văn hóa riêng và lịch sử giao thương, sẽ giúp tạo ra bản sắc riêng biệt, thúc đẩy du lịch văn hóa và niềm tự hào cộng đồng.
Thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử
Những ngày qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã hoàn thành phương án sắp xếp, đặt tên các phường, trong đó có các phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

Phân tích về việc đặt tên phường, ThS Nguyễn Tuấn Anh (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) cho rằng, tên gọi của một địa danh không chỉ là cách thức để phân biệt đơn vị hành chính, mà còn là biểu tượng văn hóa và điểm tựa tinh thần. Việc đặt lại tên cho các phường sau sáp nhập cần được nhìn nhận như một cơ hội để TPHCM làm mới mình trong khi vẫn giữ được chiều sâu lịch sử.
Những cái tên như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định nếu được sử dụng đúng chỗ, đúng không gian địa lý sẽ giúp tái hiện lại lớp trầm tích văn hóa đô thị đã góp phần hình thành nên vùng đất này. Đặt tên phường là “Sài Gòn” tại vùng lõi trung tâm có giá trị gợi nhớ và gắn kết rất cao; gọi một phường nào đó là “Chợ Lớn” nếu nằm trong khu vực mang đặc trưng văn hóa riêng và lịch sử giao thương, sẽ giúp tạo ra bản sắc riêng biệt, thúc đẩy du lịch văn hóa và niềm tự hào cộng đồng.
“Đặt lại tên cho các phường không chỉ là vấn đề kỹ thuật hành chính. Đó là bài toán về ký ức đô thị, bản sắc vùng đất, khả năng kết nối quá khứ với tương lai. Một cái tên có thể không làm thay đổi thực tại, nhưng có thể tạo cảm hứng, thổi hồn vào không gian sống, và làm nên sức mạnh tinh thần cho một cộng đồng. TPHCM với bề dày lịch sử và khát vọng vươn lên xứng đáng có những tên gọi xứng tầm cho mỗi phường, như những viên gạch nhỏ xây nên bản đồ đô thị mang tầm vóc châu Á trong tương lai”, ThS Nguyễn Tuấn Anh phân tích.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Quyền, Học viện Cán bộ TPHCM nhận định việc lựa chọn những tên gọi như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định cho các phường mới không chỉ mang ý nghĩa về mặt địa lý hành chính mà còn có giá trị tinh thần. Việc này thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, văn hóa và tình cảm của người dân đối với những địa danh đã trở thành một phần máu thịt của thành phố.

Quận 1 đề xuất có phường Sài Gòn
Tạo sự đồng thuận, gắn kết cộng đồng
Theo chuyên gia, việc đặt tên phường gắn với những “địa chỉ đỏ” là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc, nơi diễn ra các hoạt động cách mạng quan trọng và có những đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến cần thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những hy sinh và cống hiến của các thế hệ đi trước. Việc sử dụng tên các sự kiện này không chỉ định danh cho phường mà còn là một lời nhắc nhở về những trang sử vẻ vang của dân tộc.
TS Nguyễn Đức Quyền đề xuất cần lấy ý kiến rộng rãi của người để tạo sự đồng thuận và gắn kết cộng đồng với tên gọi mới của phường mình khi mang trong mình những câu chuyện, những ký ức sống động, có khả năng khơi gợi niềm tự hào và tình yêu đối với nơi mình sinh sống.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc tổ chức các đợt lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân không chỉ là cách để tăng sự đồng thuận, mà còn là cơ hội để người dân góp sức xây dựng bản sắc cộng đồng từ tên gọi, biểu tượng, màu sắc đến định hướng phát triển của từng khu vực.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một bộ tiêu chí đặt tên phường vừa bảo đảm yếu tố truyền thống, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại. Những tiêu chí này nên bao gồm: tính lịch sử văn hóa; tính đại diện địa lý cộng đồng; tính phân biệt rõ ràng với các đơn vị hành chính khác; tính dễ nhớ dễ gọi; và phù hợp với định hướng phát triển lâu dài. Có thể nghiên cứu hình thành “ngân hàng tên gọi đô thị”, tập hợp những tên gọi có giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc địa phương để sử dụng linh hoạt trong từng giai đoạn phát triển.