Tên lửa hạt nhân bí ẩn của Nga sẽ chớp nhoáng tiêu diệt cả tốp tiêm kích địch?
Tên lửa không đối không hạt nhân là ý tưởng từ thời Chiến tranh Lạnh và rất có thể sẽ được Nga khôi phục trong tương lai gần. Đây là đánh giá từ tình báo Mỹ.

Nga được cho là đang nghiên cứu phát triển một loại tên lửa không đối không trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật nhằm nhanh chóng vô hiệu hóa cả tốp chiến đấu cơ của đối phương.

Thông tin này được nhắc đến trong báo cáo “Đánh giá mối đe dọa toàn cầu năm 2025” do Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện và ấn phẩm The War Zone (TWZ) đã trích dẫn sau đó.

Tài liệu đệ trình lên Hạ viện Mỹ có nhắc đến khả năng tiềm tàng rằng Nga sẽ đưa vào biên chế Lực lượng Hàng không Vũ trụ một loại tên lửa không đối không thế hệ mới tích hợp sẵn đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

"Nga đang mở rộng lực lượng hạt nhân của mình, bổ sung thêm các vũ khí mới, bao gồm tên lửa không đối không và những hệ thống tiên tiến khác. Moskva hiện có khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược đang triển khai và lên tới 2.000 đầu đạn chiến thuật", tài liệu nói rõ.

Phần báo cáo của Tình báo Quốc phòng Mỹ về năng lực răn đe của Nga cũng đề cập đến việc triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật và máy bay vận tải ở Belarus để sẵn sàng phản ứng trước NATO.

Theo dự đoán, chúng ta đang nói đến một phiên bản đặc biệt của tên lửa không chiến tầm xa R-37M, vũ khí này ban đầu được thiết kế riêng cho tiêm kích đánh chặn MiG-31, nhưng sau đó được điều chỉnh cho các dòng máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM, Su-35S và Su-57.

Việc phát triển tên lửa R-37M cải tiến có tên mã Izdelie 610M (Sản phẩm 610M) đã hoàn thành từ năm 2011, nhưng do quá trình thử nghiệm và điều chỉnh kéo dài nên các vũ khí này chỉ được đưa vào thành phần chiến đấu trong năm 2018.

Loại tên lửa nhiên liệu rắn trọng lượng 510 kg nói trên có thể bắn trúng mục tiêu từ cự ly 200 km, nhưng đó là khi chống lại đối tượng có kích thước lớn, cơ động chậm, trong điều kiện thuận lợi. Bất chấp hạn chế trên, vũ khí này vẫn rất đáng gờm.

Điển hình như phi công tiêm kích nổi tiếng của Không quân Ukraine - Andriy Juice Pilshchikov - người đã tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay năm 2023, từng nói với tờ TWZ rằng tên lửa R-37M thường được tiêm kích phóng đi từ không phận Nga.

Điều này khiến cho chiến đấu cơ Nga không cần tiến vào vùng phòng không của đối phương, đồng thời khi kết hợp với máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm, chúng sẽ phá hủy tiêm kích Ukraine từ trước khi phi công nhận biết được vụ phóng.

Việc tích hợp đầu đạn hạt nhân chiến thuật vào tên lửa R-37M, mặc dù chưa được xác nhận, vẫn được cho là là sự tiếp nối khả thi của quá trình phát triển tên lửa không đối không R-33 từ thời Liên Xô, khi loại đạn này cũng có phần chiến đấu tương tự và tầm bắn lên tới 140 km.

Tiêm kích Nga mang theo tên lửa không đối không hạt nhân được thiết kế để phá hủy cả nhóm mục tiêu trên không quy mô lớn, chẳng hạn như máy bay ném bom chiến lược và đội hộ tống đi kèm.

Tên lửa không chiến thế hệ mới chưa được đặt tên là ví dụ điển hình về vũ khí phi chiến lược, tiên tiến trong kho vũ khí hạt nhân của Nga, Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Báo cáo nói trên cũng mô tả ngắn gọn khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, khi đánh giá các cuộc tập trận chung với Belarus, trong bối cảnh cuộc xung đột với Ukraine đang diễn ra quyết liệt.

Tuy vậy phía Mỹ lưu ý rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến, trừ khi Moskva nhận thấy rằng họ đang phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu có nguy cơ cực cao.