Đằng sau chính sách siết nhập cư 'ngay ngày đầu tiên' của tân Chính phủ Đức

Thực tế tại biên giới Đức cho thấy những biện pháp siết chặt hiện tại chủ yếu mang tính tượng trưng hơn là hiệu quả.

Năm 2024, gần 230.000 người đã nộp đơn xin tị nạn lần đầu tiên tại Đức. Ảnh: EFE/EPA

Năm 2024, gần 230.000 người đã nộp đơn xin tị nạn lần đầu tiên tại Đức. Ảnh: EFE/EPA

"Màn kịch" vụng về?

Theo trang Politico.eu, chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức trong chính phủ liên minh bảo thủ mới của Đức, tân Bộ trưởng Nội vụ Alexander Dobrindt đã tuyên bố mở chiến dịch trấn áp nhập cư quy mô lớn, nhằm gửi một “thông điệp rõ ràng tới toàn thế giới”.

Tuy nhiên, các chuyên gia di cư và các quan chức cấp cao châu Âu nắm rõ tình hình ở biên giới Đức nói rằng, cho đến nay chiến dịch này phần lớn chỉ mang tính hình thức.

“Chưa có thay đổi thực chất nào cả”, ông Gerald Knaus – một chuyên gia di cư nổi tiếng, thường cố vấn cho các chính phủ châu Âu – nhận định. “Đây chỉ là một màn kịch. Vấn đề là nó được dàn dựng rất tệ”.

Bộ trưởng Dobrindt thông báo sẽ triển khai thêm hàng nghìn cảnh sát tới biên giới để tăng cường kiểm tra và đẩy lùi nhiều người nhập cư hơn – bao gồm cả người xin tị nạn. Chính sách này nhằm hiện thực hóa cam kết tranh cử của Thủ tướng Friedrich Merz về việc siết chặt dòng người xin tị nạn ngay từ “ngày đầu tiên” lên nắm quyền.

Ông Merz đưa ra những cam kết này dưới áp lực từ đảng cực hữu Sự Lựa Chọn vì nước Đức (AfD), lực lượng đã vươn lên dẫn đầu phe đối lập sau cuộc bầu cử nhanh ngày 23/2 với thông điệp chống nhập cư mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thực tế tại biên giới cho thấy những biện pháp siết chặt hiện tại chủ yếu mang tính tượng trưng hơn là hiệu quả.

Một quan chức cấp cao của quốc gia láng giềng Đức – đề nghị giấu tên để có thể chia sẻ thẳng thắn mà không làm mất lòng đồng minh – cho biết họ đang “theo dõi rất sát” tình hình ở biên giới Đức nhưng chưa thấy có thay đổi rõ rệt nào. Vị này cho rằng mục tiêu trước mắt của chính phủ Merz dường như là thu hút sự ủng hộ từ truyền thông bảo thủ, vốn đã gọi chính sách này là “lệnh cấm tị nạn”.

Chuỗi domino đóng cửa biên giới?

Bộ trưởng Nội vụ Đức Dobrindt đã nỗ lực quảng bá biện pháp của mình như một thành công bước đầu. Một tuần sau tuyên bố, ông tới biên giới Đức – Áo trong cơn mưa, khoác áo cảnh sát, cảm ơn lực lượng chức năng và thông báo rằng 739 người đã bị từ chối nhập cảnh – tăng 45% so với tuần trước. Trong số này, 32 người mong muốn xin tị nạn.

Để so sánh, trong năm 2024, có gần 230.000 người lần đầu tiên nộp đơn xin tị nạn ở Đức – con số lớn nhất trong Liên minh châu Âu.

Trên thực tế, giới chức Đức vẫn thận trọng trong việc ngăn chặn người xin tị nạn ngay tại biên giới vì điều này có thể tạo hiệu ứng domino khiến các nước láng giềng cũng đóng cửa biên giới, gây hỗn loạn và phản ứng dây chuyền. Nhiều học giả pháp lý và các đảng đối lập thiên tả cũng cảnh báo rằng hành động này có thể vi phạm luật pháp châu Âu.

“Chúng ta đang đối mặt với một cấp độ mới – khi một quốc gia công khai tuyên bố họ sẽ vi phạm luật châu Âu”, chuyên gia luật di cư Constantin Hruschka nói. “Các quốc gia láng giềng đang phẫn nộ theo cách mà trước đây chưa từng thấy.”

Tuy vậy, Bộ trưởng Dobrindt vẫn lập luận rằng Đức có quyền tạm đình chỉ luật châu Âu để bảo vệ an ninh nội bộ và “giảm tải quá mức” cho hệ thống tị nạn.

Một vụ việc tại cầu biên giới Đức – Ba Lan gần đây đã minh chứng cho sự phức tạp của việc triển khai chính sách mới: Sau khi Dobrindt tuyên bố tăng cường kiểm soát, hai người Afghanistan cố gắng vào Đức từ Ba Lan. Cảnh sát Đức tìm cách đưa họ quay trở lại Ba Lan, nhưng phía Ba Lan từ chối tiếp nhận. Cuối cùng, cảnh sát Đức phải đưa họ tới một trung tâm tiếp nhận trong nước.

“Đòn gió” giúp phe cực hữu hưởng lợi?

Ngay cả khi các hành động của Đức chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, tuyên bố mạnh tay với người xin tị nạn vẫn khiến các nước láng giềng tức giận.

Đặc biệt, Ba Lan phản ứng gay gắt trước các chốt kiểm soát mới gây tắc nghẽn tại các cửa khẩu quan trọng. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cảnh báo trên truyền hình rằng ông sẵn sàng đóng cửa biên giới nếu cảnh sát Đức cố đưa người xin tị nạn trở lại Ba Lan.

“Chúng tôi sẽ đáp trả”, ông tuyên bố.

Phản ứng gay gắt từ Warsaw có nguy cơ phá vỡ nỗ lực của Thủ tướng Merz trong việc khôi phục quan hệ Đức – Ba Lan, vốn được xem là trọng yếu trong hợp tác quốc phòng châu Âu.

Ngay cả cựu Thủ tướng Angela Merkel – lãnh đạo lâu năm của CDU – cũng lên tiếng chỉ trích chính sách biên giới, cho rằng cách duy nhất thực sự hiệu quả để giảm áp lực di cư là xây dựng một giải pháp chung toàn châu Âu.

“Tôi đang kêu gọi những giải pháp cấp châu lục, vì nếu không, chúng ta sẽ thấy châu Âu tan rã, điều mà tôi không mong muốn, và tôi hy vọng chính phủ liên bang mới cũng không mong muốn điều đó”, bà Merkel nói tại một sự kiện gần đây.

Cuối cùng, một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu chính phủ của Thủ tướng Merz chỉ đưa ra những biện pháp hình thức nhằm thể hiện sự cứng rắn, thì lực lượng được lợi nhất có thể lại là phe cực hữu.

“Chính phủ này buộc phải thành công, vì chúng ta cần một nước Đức nơi phe cực hữu không thể chiến thắng trong các cuộc bầu cử”, chuyên gia Knaus nói. “Di cư là vấn đề mà người dân thực sự quan tâm. Nhưng không ai được lợi từ những ảo tưởng – những ảo tưởng chắc chắn sẽ thất bại và càng khiến phe cực hữu dễ dàng thắng thế hơn.”

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-chinh-sach-siet-nhap-cu-ngay-ngay-dau-tien-cua-tan-chinh-phu-duc-20250525190236201.htm
Zalo