Temu nội địa hóa để 'né' thuế

Sau khi Mỹ chấm dứt miễn thuế 'de minimis', Temu chuyển mô hình bán hàng qua các người bán tại Mỹ để tránh thuế. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ đang phải đối mặt với giá cao hơn và tình trạng hàng hóa khan hiếm.

Từ ngày 2/5, Mỹ chính thức chấm dứt chính sách miễn thuế “de minimis” đối với hàng hóa vận chuyển từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), các đơn hàng có giá trị dưới 800 USD sẽ không còn được miễn thuế. Các hãng vận chuyển như FedEx hay UPS sẽ bị đánh thuế 120% hoặc phải trả khoản phí 100 USD cho mỗi kiện hàng dưới 800 USD (và con số này sẽ tăng lên 200 USD từ ngày 1/6). Ngay lập tức, trang thương mại điện tử Temu thông báo sẽ thay đổi mô hình vận chuyển và chuyển tất cả các đơn hàng tại Mỹ qua các người bán tại Mỹ.

Khi Mỹ áp thuế “de minimis”, Temu sẽ thay đổi mô hình vận chuyển, chuyển đơn hàng tại Mỹ qua các người bán tại Mỹ.

Khi Mỹ áp thuế “de minimis”, Temu sẽ thay đổi mô hình vận chuyển, chuyển đơn hàng tại Mỹ qua các người bán tại Mỹ.

Một phát ngôn viên của Temu cho biết, tất cả các giao dịch bán hàng tại Mỹ hiện do người bán ở Mỹ xử lý và các đơn hàng đều được thực hiện ở trong nước. Temu hiện đang tích cực tuyển dụng người bán tại Mỹ tham gia nền tảng của họ.

Sự thay đổi này là một bước chuyển đổi lớn đối với Temu. Lỗ hổng "de minimis" cho phép các lô hàng hóa trị giá 800 USD trở xuống được đưa vào Mỹ mà không phải chịu thuế và thường bỏ qua các thủ tục kiểm tra và giấy tờ tốn thời gian. Temu và các trang thương mại điện tử Trung Quốc khác như Shein và AliExpress được cho là đã tận dụng tối đa chính sách miễn trừ này để đưa hàng hóa giá cực thấp tràn ngập thị trường Mỹ.

Phần lớn sản phẩm của Shein và Temu được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ; đó là lý do tại sao chúng có giá rẻ như vậy.

Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, khoảng 1,36 tỷ lô hàng đã vào Mỹ theo diện miễn thuế "de minimis" trong năm tài chính 2024, tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước. Chuyên gia kinh tế của Nomura ước tính, riêng năm ngoái, các đơn hàng nhỏ từ Trung Quốc vào Mỹ theo diện miễn thuế này có tổng trị giá lên tới 46 tỷ USD, chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo như phát ngôn của Temu, mô hình kinh doanh mới này của Temu, nghe có vẻ đúng ý của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, việc một sản phẩm được vận chuyển đến khách hàng từ “kho hàng tại Mỹ” không có nghĩa là nó được sản xuất tại Mỹ.

Các trang web như Temu và Shein đã và đang xây dựng hệ thống kho hàng tại Mỹ trong nhiều năm qua để giảm thời gian vận chuyển. Và khi chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden bắt đầu chỉ trích chính sách miễn trừ "de minimis" vào năm ngoái, các nhà vận chuyển Trung Quốc đã “bắt được sóng”.

Ông Chris Tang, giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu tại Đại học California, Los Angeles cho biết, Shein đã bắt đầu vận chuyển hàng loạt hàng hóa đến các kho hàng tại Mỹ từ đầu năm ngoái.

Hồi tháng 2, Bloomberg đưa tin Temu cũng đã bắt đầu đại tu chuỗi cung ứng ở Trung Quốc của mình, yêu cầu các nhà cung cấp vận chuyển hàng loạt hàng hóa đến các kho hàng tại Mỹ. Điều đó có nghĩa là các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài đang đến tay người Mỹ thông qua các nhà phân phối Mỹ. Temu không công khai danh sách các đối tác sản xuất của mình. Tuy nhiên, khi các kho hàng tại Mỹ hết các mặt hàng đã tích trữ trước đó, vẫn chưa rõ liệu người tiêu dùng tại Mỹ có thể mua được các mặt hàng này nữa hay không.

Giáo sư Chris Tang cho biết thêm, nếu xảy ra tình trạng thiếu hàng, Temu có rất ít lựa chọn. Công ty này có thể đặt hàng lại nhưng việc này sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí. Trang web của Temu cũng có thể bắt đầu cung cấp “sản phẩm thay thế” hoặc đề xuất các sản phẩm tương tự còn hàng hoặc có thể tăng giá.

Trên trang web của mình, Temu cho hay không có phí nhập khẩu hoặc chi phí bổ sung khi giao hàng đối với các mặt hàng được mua từ các kho hàng tại Mỹ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, người dùng cho biết nhiều mặt hàng đã hết hàng. Ngoài ra, người dùng còn cho biết, họ sẽ phải chịu một khoản phí bổ sung nếu đơn hàng mua tại Mỹ có tổng trị giá dưới 30 USD.

Trước đó, Temu và Shein cũng đã có kế hoạch tăng giá sản phẩm cho khách hàng Mỹ từ ngày 25/4. Theo báo cáo từ Bloomberg và CNN công bố, các nền tảng thương mại điện tử này đã tăng giá từ 91% đến gần 400%, sau khi đã cảnh báo người dùng về việc tăng giá sắp tới do thuế quan.

Đồng thời, họ cũng đang cắt giảm chi tiêu quảng cáo trên hầu hết các nền tảng. Theo ước tính của Sensor Tower, đơn vị theo dõi mức chi tiêu cho quảng cáo, chi tiêu trung bình hàng ngày của Temu cho quảng cáo trên Facebook, Instagram, TikTok, Snap, X và YouTube tại Mỹ đã giảm trung bình 31% trong 2 tuần từ ngày 31/3 đến ngày 13/4 so với 30 ngày trước đó. Chi tiêu quảng cáo trung bình hàng ngày của Shein tại Hoa Kỳ trên Facebook, Instagram, TikTok, YouTube và Pinterest có mức giảm trung bình chung là 19% trong cùng kỳ.

Mark Ballard, giám đốc nghiên cứu tiếp thị kỹ thuật số tại Tinuiti cho biết, Temu đã giảm mạnh quảng cáo trên Google Shopping kể từ ngày 12/4 sau khi tăng mạnh trong quý đầu tiên.

Bà Kimber Maderazzo, giáo sư tiếp thị tại Trường Kinh doanh Pepperdine Graziadio nhận định, Shein và Temu "có lẽ sẽ không thể có được nhiều khách hàng như trước" tại Mỹ. Bà cho biết thêm, hai công ty hiện đang tập trung vào việc giữ chân những người mua sắm tại Mỹ mà họ đã có, một biện pháp đối phó với các chiến lược quảng cáo kỹ thuật số quốc tế mới của họ.

Kim Ngân

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/temu-noi-dia-hoa-de-ne-thue-i768049/
Zalo