Đề xuất bảo vệ quyền được chọn sống ngoài vòng ảnh hưởng của AI
Nhận định trí tuệ nhân tạo - AI đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam đề xuất khung quản trị AI cần thiết có quy định bảo vệ quyền của người dùng được chọn sống ngoài vòng ảnh hưởng của AI.
AI đang âm thầm tác động đến ngành, lĩnh vực
Sự phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI được nhận định đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội.
Đề cập đến tác động của AI đến cuộc sống, trong chia sẻ trên trang The Conversation, Tiến sĩ James Kang, giảng viên cấp cao Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam nêu ra dẫn chứng về hiện thực đang dần hiển hiện với nhiều người, đó là: Ứng viên nộp đơn xin việc và bị từ chối hồ sơ bởi một thuật toán dùng AI, trước khi nhân sự phòng tuyển dụng nhìn thấy hồ sơ; hay khi người bệnh đi khám bác sỹ nhưng phương án điều trị lại được chọn bởi một cỗ máy mà bệnh nhân không thể trao đổi, đề nghị tư vấn.
“AI đang âm thầm tác động đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống, từ tin tức do AI tuyển chọn mà mọi người đọc hằng ngày, đến cách quản lý giao thông trong các đô thị. AI hứa hẹn mang đến sự tiện lợi, năng suất, đổi mới và hiệu quả”, Tiến sĩ James Kang nhận xét.

Nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, tuyển dụng nhân sự... đang thay đổi mạnh mẽ bởi tác động của công nghệ AI. Ảnh minh họa: T.Trang
Trao đổi với phóng viên VietNamNet ở góc nhìn của đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, bà Đào Thu Phương, CEO Siêu Việt Group, đơn vị vận hành nền tảng Vieclam24h nhận xét: AI đang ảnh hưởng mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn phương thức tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam.
Các nền tảng tuyển dụng trực tuyến được nâng cấp liên tục với công nghệ AI để giúp tiếp cận ứng viên nhanh và chính xác hơn. Ở chiều ngược lại, các ứng viên cũng ngày càng có xu hướng tận dụng công nghệ để tìm việc làm.
Đơn cử như, nền tảng Vieclam24h dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ bổ sung thêm các tính năng ứng dụng AI để “phủ” toàn bộ quy trình tuyển dụng nhân sự.
Tương tự, mới đây, nền tảng VietnamWorks cũng đã công bố việc bổ sung các tính năng mới ứng dụng AI để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu quy trình tuyển dụng, như: Tính năng “AI JD Gen” giúp tạo tin tuyển dụng đầy đủ chỉ trong chưa đầy một phút; “AI 1-Click Job Posting” cho phép giảm 45% thời gian đăng tin tuyển dụng; “AI Candidate Recommendation”hỗ trợ tìm kiếm nhanh ứng viên phù hợp...
Nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của AI, nhất là AI tạo sinh đang thay đổi giáo dục toàn cầu và Việt Nam ở nhiều khía cạnh, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech cho rằng: Với nhiều lợi ích từ AI, chắc chắn rằng nên cho phép người học dùng AI, thậm chí bắt buộc để không bỏ lỡ cơ hội tiên phong công nghệ.
Chia sẻ ở góc độ đơn vị quản lý giáo dục tại “Diễn đàn đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với trí tuệ nhân tạo 2025” hồi trung tuần tháng 4/2025, Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận rằng AI không còn là khái niệm xa vời, mà công nghệ mới này đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cách chúng ta dạy và học, cách học sinh tiếp cận tri thức cũng như cách các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách.
‘Mọi người cần có quyền quyết định mức độ can thiệp của AI’
Trong bối cảnh AI ngày càng trở nên “quyền lực”, cũng trên trang The Conversation, giảng viên cấp cao của Đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ James Kang còn chia sẻ quan điểm về sự cần thiết bảo vệ quyền của người dùng được chọn sống ngoài vòng ảnh hưởng của AI.
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh AI ngày càng gắn chặt với cuộc sống, mọi người cần có quyền quyết định mức độ can thiệp của AI, và quyền được lựa chọn từ chối là điều thiết yếu để bảo vệ sự tự chủ trong thời đại số.
Tiến sĩ Tiến sĩ James Kang cho rằng, để bảo vệ quyền được sống mà không chịu ảnh hưởng liên tục của AI, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ. Hiện tại, hầu hết các khung quản trị AI nhấn mạnh đến việc sử dụng có trách nhiệm, tập trung vào tính công bằng, minh bạch và trách nhiệm giải trình; tuy nhiên lại đang bỏ qua một nguyên tắc sống còn, đó là quyền được rút lui hoàn toàn khỏi hệ thống AI mà không bị cô lập hay chịu thiệt thòi.

Theo Tiến sĩ James Kang, quyền được lựa chọn từ chối là điều thiết yếu để bảo vệ sự tự chủtrong thời đại số. Ảnh: RMIT Việt Nam
Chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam đề xuất: Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cần xây dựng chính sách để điều chỉnh AI song song với việc tôn trọng quyền tự do cá nhân; mọi người cần có lựa chọn sống không phụ thuộc vào AI mà không bị phân biệt đối xử hay bị tước quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu.
Song song đó, quy trình ra quyết định của AI cũng cần phải minh bạch hơn. Dù là trong tuyển dụng, chăm sóc sức khỏe hay dịch vụ tài chính, AI cần trở nên dễ hiểu, có trách nhiệm và dễ giám sát hơn.
“Cuối cùng, xã hội cần đầu tư vào “bình dân học vụ số”. Mọi người cần hiểu những hệ thống đang tác động đến cuộc sống của họ và có công cụ để chất vấn khi cần thiết. Đảm bảo rằng con người biết cách điều hướng và kiểm soát công nghệ đang định hình thế giới của họ là việc thiết yếu để duy trì tự do trong thời đại số”, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam khuyến nghị.