Taxi công nghệ: Từ Uber đến Xanh SM

Hơn 10 năm sau sự khuynh đảo của dịch vụ gọi xe Uber, thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam đã trỗi dậy nhưng ở một hình thái hoàn toàn khác.

Taxi công nghệ có mặt tại Việt Nam từ những năm 2013 - 2014 với sự khai phá của 2 ứng dụng gọi xe công nghệ là Uber và Grab. Khi dịch vụ Uber có mặt tại Việt Nam năm 2013 đã tạo nên cơn sốt bởi sự vượt trội so với taxi truyền thống về mô hình kinh doanh và chất lượng dịch vụ. Đồng thời dịch vụ này cũng mang đến sự lúng túng trong việc quản lý một hình thức kinh doanh vận tải bằng công nghệ hoàn toàn mới.

Uber gia nhập thị trường Việt Nam và ngay lập tức tạo cơn sốt gọi xe.

Uber gia nhập thị trường Việt Nam và ngay lập tức tạo cơn sốt gọi xe.

Sở dĩ như vậy bởi Uber đã tận dụng triệt để những thành tựu của thời đại internet, từ nguồn lực sẵn có, tiện ích kết nối điện thoại di động và cắt bỏ các lớp chi phí trung gian… Điểm đáng chú ý là Uber hoàn toàn chỉ kinh doanh trên nền tảng công nghệ, không đầu tư phương tiện và tổ chức bộ máy, nhân lực và kinh doanh như một sàn giao dịch vận tải. Những người tham gia kinh doanh dịch vụ này lúc đầu chỉ là những cá nhân có xe nhàn dỗi, sau mở rộng ra các taxi chuyển từ các hãng taxi truyền thống tự đăng ký dịch vụ để kinh doanh, rồi tiếp đến là các đơn vị chạy xe hợp đồng.

Mô hình kinh doanh của Uber khi đó đã gây lúng túng cho toàn bộ hệ thống quản lý vận tải trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Còn nhớ vào cuối năm 2014, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT đã phải triệu tập một cuộc họp giữa các cơ quan quản lý vận tải với đại diện Uber châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc họp này được xác định nhằm mục đích làm rõ mô hình kinh doanh của Uber và tìm ra phương pháp quản lý.

Tại cuộc họp, đại diện Uber đã từ chối cung cấp danh sách các đơn vị hợp tác tại Việt Nam, đồng thời cho biết, hãng chỉ cung cấp nền tảng công nghệ và các đối tác phần lớn là xe hợp đồng.

Có một chi tiết đáng chú ý khiến tất cả mọi người trong cuộc họp phải ngỡ ngàng. Khi được hỏi nếu có những tranh chấp pháp lý trong việc sử dụng dịch vụ, kinh doanh thì sẽ xử lý thế nào khi Uber không có pháp nhân tại Việt Nam? Đại diện Uber thản nhiên trả lời "Xử theo luật Hà Lan, nơi đặt trụ sở của Uber".

Những lập luận của Uber khi đó đã ngay lập tức bị các cơ quan quản lý vận tải nhận định là không đáp ứng được các quy định pháp luật của Việt Nam. Hình thức kinh doanh này nếu được thừa nhận sẽ tạo sự bất bình đẳng đối với các loại hình kinh doanh vận tải hiện có và vượt ra ngoài tầm quản lý cũng như phát sinh những vấn đề pháp lý.

Do vướng mắc về cơ chế hoạt động, đến năm 2018, Uber đã phải rút khỏi Việt Nam cũng như toàn bộ hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, nhường lại sân chơi cho Grab.

Chỉ sau 2 năm ra mắt, Xanh SM đã chiếm lĩnh thị phần số 1 thị trường gọi xe tại Việt Nam.

Chỉ sau 2 năm ra mắt, Xanh SM đã chiếm lĩnh thị phần số 1 thị trường gọi xe tại Việt Nam.

Đến nay, sau 10 năm taxi công nghệ có mặt tại Việt Nam, diện mạo của taxi công nghệ đã hoàn toàn khác. Các ứng dụng gọi xe công nghệ đã được thừa nhận và được coi là động lực để các đơn vị kinh doanh vận tải phải đổi mới để tiết giảm chi phí, hạ giá và phục vụ hành khách tốt hơn. Hiện hầu hết các hãng taxi, ở các mức độ khác nhau đều sử dụng các ứng dụng gọi xe.

Tuy nhiên khác với Uber, các doanh nghiệp taxi công nghệ hiện nay đã được đưa vào khuôn khổ quản lý theo Nghị định 10, phải gắn phù hiệu và đăng ký kinh doanh. Thực tế sau khi được quản lý, thị trường xe công nghệ đã có sự bùng nổ và hình thành nên những thương hiệu lớn, không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế như: Grab, Xanh SM, Be…

Nói đến taxi công nghệ hiện nay, người dân đã quen với 2 thương hiệu lớn là Xanh SM và Grab. Theo báo cáo năm 2022, Grab đã thu hút hơn 200.000 tài xế trên cả nước, với hơn 3 triệu lượt di chuyển mỗi ngày chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM. Thu nhập trung bình của tài xế xe công nghệ cao hơn 55% so với mức lương trung bình của người lao động, giúp nhiều người có thu nhập ổn định.

Nhưng số 1 thị phần gọi xe hiện nay là một doanh nghiệp Việt - Xanh SM. Từ khi ra mắt thị trường, Xanh SM sử dụng 100% xe điện kinh doanh vận tải đã trở thành một hiện tượng rồi vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ Việt Nam. Theo báo cáo tổng hợp mới nhất về thị trường taxi tại Việt Nam của Mordor Intelligence, năm 2024, Xanh SM đã chiếm 37,41% thị phần, vượt qua Grab (36,62%) và vượt xa các đối thủ khác.

Việc một ứng dụng gọi xe của người Việt vươn lên chiếm lĩnh thị trường và có đóng góp quan trọng vào việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường là điều mà chỉ vài năm trước ít ai nghĩ đến.

Điều này cũng cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt, thậm chí ở thế "còn – mất" trên thị trường taxi công nghệ giữa các ông lớn. Nhưng điều còn lại là quyền lợi của khách hàng ngày càng được nâng cao, chất lượng dịch vụ ngày một tốt lên.

Các ứng dụng gọi xe ngày càng phát triển cũng hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành taxi công nghệ tại Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ USD mỗi năm.

Tiến Mạnh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/taxi-cong-nghe-tu-uber-den-xanh-sm-19225020717465928.htm
Zalo