Tàu thăm dò NASA sống sót sau khi 'chạm' Mặt Trời
Tàu thăm dò Mặt Trời Parker đánh dấu một kỷ nguyên mới, giúp con người tiếp cận gần hơn với việc giải mã những bí ẩn lâu đời nhất của Mặt Trời.
Vào tháng 8/2018, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) đã khởi động hành trình dài ngày của tàu thăm dò Mặt Trời Parker (PSP) nhằm nghiên cứu vành nhật hoa, lớp ngoài cùng của khí quyển Mặt Trời.
Sau nhiều lần sử dụng lực hấp dẫn của Sao Kim để hỗ trợ điều chỉnh quỹ đạo, tàu đã phá kỷ lục về khoảng cách tiếp cận Mặt Trời gần nhất do tàu Helios 2 thiết lập trước đó, và chính thức trở thành vật thể nhân tạo bay gần Mặt Trời nhất vào ngày 29/10/2018.
Kể từ đó, tàu Parker đã nhiều lần xuyên qua vành nhật hoa của Mặt Trời, thực hiện những lần "chạm" Mặt Trời lịch sử. Hôm 24/12, NASA xác nhận PSP đã đạt khoảng cách tiếp cận gần nhất từ trước đến nay, chỉ cách bề mặt Mặt Trời 6 triệu km - khoảng 0,04 lần khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất.
Không chỉ phá kỷ lục về khoảng cách tiếp cận, PSP còn di chuyển qua bầu khí quyển Mặt Trời với vận tốc lên tới 692.000 km/h - tương đương khoảng 0,064% tốc độ ánh sáng, biến tàu thăm dò Mặt Trời Parker trở thành vật thể nhân tạo có tốc độ cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 26/12, tàu gửi tín hiệu xác nhận hoạt động bình thường sau lần tiếp cận Mặt Trời gần nhất. Nhờ đó, PSP có thể tiếp tục các hoạt động khoa học, góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc và sự tiến hóa của gió Mặt Trời.
Để đảm bảo tàu có thể chịu được nhiệt độ trong vành nhật hoa, tàu Parker dựa vào tấm chắn bằng bọt carbon có thể chịu được nhiệt độ 980 - 1.425 °C. Tấm chắn này cũng giữ cho các thiết bị của tàu luôn được che chắn để đảm bảo chúng có thể hoạt động trong bầu khí quyển Mặt Trời.
"Chuyến bay gần Mặt Trời này đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử trong nỗ lực khám phá các ngôi sao. Nghiên cứu Mặt Trời ở cự ly gần sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của nó, bao gồm cả các công nghệ được sử dụng trên Trái Đất và trong không gian. Hơn nữa, những nghiên cứu này còn góp phần vào việc tìm kiếm các hành tinh có tiềm năng sinh sống ngoài Trái Đất”, bà Nicky Fox, người đứng đầu Ban Giám đốc các nhiệm vụ Khoa học (SMD) tại trụ sở NASA tại Washington, cho biết.
Ý tưởng về tàu thăm dò Mặt Trời Parker, với mục tiêu "nghiên cứu các hạt và trường gần Mặt Trời", đã được đề xuất từ năm 1958 bởi Ban Khoa học Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Tuy nhiên, phải mất nhiều thập kỷ sau, nhờ sự phát triển công nghệ, nhiệm vụ mới được thực hiện.
Trong các lần bay gần Mặt Trời trước đây, tàu Parker đã mang về nhiều phát hiện quan trọng. Lần đầu tiên xâm nhập vành nhật hoa năm 2021, tàu phát hiện ranh giới ngoài của nó có dạng đỉnh và thung lũng, khác với dự đoán.
Bên cạnh đó, tàu Parker cũng đã chụp được nhiều hình ảnh của Sao Kim trong các lần bay ngang qua để hỗ trợ trọng lực, ghi lại các bức xạ vô tuyến của hành tinh và chụp được hình ảnh hoàn chỉnh đầu tiên về vành đai bụi trên quỹ đạo của Sao Kim.
Nhờ vị trí đặc biệt của mình, tàu Parker còn chụp được những bức ảnh độc đáo về sao chổi NEOWISE, mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới.
"Dữ liệu mà tàu gửi về sẽ cung cấp thông tin hoàn toàn mới về một nơi mà nhân loại chưa từng đặt chân đến. Đó thực sự là một thành tựu to lớn”, ông Joe Westlake, Giám đốc Bộ phận Vật lý Nhật quyển tại trụ sở NASA, cho biết.
Các lần bay qua Mặt Trời tiếp theo của tàu được lên kế hoạch vào ngày 22/3/2025 và ngày 19/6/2025.