Một chuyến bay Năm Mới cất cánh vào năm 2025, khi hạ cánh lại là năm 2024
Hành khách trên một chuyến bay Năm Mới đã có một trải nghiệm rất thú vị mà không phải ai cũng có được: Máy bay của họ cất cánh vào năm 2025, nhưng rồi họ 'từ tương lai đi ngược lại', vì khi họ hạ cánh thì lại là năm 2024. Đây là chuyến bay nào và hiện tượng này được giải thích ra sao?
Một chuyến bay chở hành khách cất cánh từ Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày đầu tiên của năm 2025 đã đi “xuyên thời gian”: Máy bay hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Los Angeles (Mỹ) vào năm 2024.
Đó là chuyến bay số hiệu CX880 của hãng Cathay Pacific, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) sau 0h ngày 1/1/2025, giờ địa phương, theo trang ABC7.
Chuyến bay này bay qua Thái Bình Dương, vượt Đường Đổi ngày Quốc tế (IDL) vào khoảng giữa hành trình kéo dài hơn 12 tiếng của nó. Máy bay hạ cánh vào tối 31/12/2024, theo giờ ở Los Angeles, thế là hành khách được đón Năm Mới 2 lần.
Theo NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ), IDL được coi là đường phân định giữa 2 ngày (dương lịch) liên tiếp. Nó được đưa ra vào năm 1884, về căn bản là một đường tưởng tượng chạy từ Bắc xuống Nam ở khoảng giữa Thái Bình Dương. Khi một người băng qua IDL, có thể coi là người đó “du hành vượt thời gian”.
Còn hiện tượng khởi hành năm 2025 mà đến đích lại là năm 2024 thì gọi là “hiệu ứng đường đổi ngày”, theo trang Aviation Source News (Tin tức hàng không). Nó xảy ra khi một chuyến bay vượt qua IDL. Kết quả là hành khách có được - hoặc mất bớt - một ngày, tùy theo hướng bay. Hiệu ứng độc đáo này đôi khi gây nhầm lẫn đối với cả người đi máy bay lẫn những người chuyên theo dõi các chuyến bay.
Dù sao, việc “đi ngược thời gian” này không phải là trái với quy luật vật lý nào cả, mà IDL chỉ được đặt ra dựa trên hệ thống tính thời gian thực tế của thế giới mà thôi.
Ngoài chuyến bay 880, còn có những chuyến bay vượt Thái Bình Dương khác cũng “du hành xuyên thời gian” vào cuối mỗi năm cũ và đầu năm mới. Tuy nhiên, do vào thời điểm này trong năm thì việc hoãn chuyến thường xuyên xảy ra nên nhiều chuyến bay không “xuyên thời gian” được.