Tàu cao tốc kết nối Pháp - Đức, giúp giảm 99% lượng phát thải
Kể từ tháng 12/2024, giới chức Pháp và Đức đã khai trương tuyến tàu cao tốc Paris-Berlin. Qua quá trình vận hành trước đây, đường sắt cao tốc kết nối hai quốc gia đã cho thấy nhiều hiệu quả ưu việt trong vận tải hành khách và xanh hóa giao thông.
Vận tốc 320km/h
Tuyến tàu cao tốc liên thành phố (ICE) mới nhất kết nối thủ đô Berlin (Đức) và Paris (Pháp) sẽ vận hành với tần suất 2 chuyến mỗi ngày với hành trình mất khoảng 8 tiếng đồng hồ trên cung đường dài khoảng 1.100km.
Trong đó tàu sẽ khởi hành một chuyến từ Paris vào lúc 9h55 buổi sáng, đến Berlin vào lúc 18h03 chiều cùng ngày. Ở chiều ngược lại, tàu khởi hành từ Berlin lúc 11h54 sáng và đến Paris lúc 19h55 tối cùng ngày.
Tàu sẽ dừng ở trung tâm một số thành phố lớn, gồm Strasbourg, Karlsruhe và Frankfurt. Trên tàu bố trí 444 chỗ ngồi, bao gồm 111 ghế hạng nhất. Giá vé dao động từ 25-99 euro (khoảng 660.000 đồng đến 2,6 triệu đồng).
Trong ngày khai trương chuyến tàu đầu tiên hôm 16/12, nhiều quan chức cấp cao và đại diện ngoại giao của hai nước đã tham dự và trải nghiệm.
Thị trưởng TP. Berlin Kai Wegner đã ca ngợi về hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc mới, khẳng định đây chính là biểu tượng của tình hữu nghị Đức-Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất, có dân số đông nhất châu Âu.
Quan chức hai nước Pháp và Đức đặc biệt nhấn mạnh cam kết xây dựng tương lai giao thông vận tải xanh hơn, sạch hơn. Trong đó, tuyến đường sắt cao tốc kết nối hai nước là phần quan trọng trong mục tiêu chung của hai nước nhằm thúc đẩy di chuyển không phát thải carbon.
Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing nói thêm: "Chúng ta vẫn còn rất nhiều tiềm năng để đưa càng nhiều người càng tốt lên những chuyến tàu ở châu Âu với những ưu đãi hấp dẫn."
Giảm 99% ô nhiễm
Theo tạp chí The Cool Down, phương thức di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao chỉ phát sinh 1% lượng khí thải ô nhiễm so với di chuyển bằng máy bay giữa Berlin và Paris.
Trong khi đó, ô tô chạy bằng xăng dầu và máy bay gây ra lượng khí nhà kính khổng lồ, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật hoang dã, tổn hại đến môi trường.
Với ưu thế về tốc độ, thời gian, hiệu quả và đặc biệt giảm thiểu phát thải cũng như tác động đến môi trường, đường sắt cao tốc ngày càng được ưa chuộng, thu hút hành khách và định hình lại phương thức di chuyển của mọi người trên thế giới.
Ngày nay, nhiều quốc gia đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng đường sắt cao tốc.
Trung Quốc dẫn đầu thị trường này với mạng lưới dài hơn 42.000km, trong khi các nước châu Âu tiếp tục đẩy mạnh liên kết với nhau bằng các tuyến tàu hỏa tốc độ cao. Mỹ cũng đang triển khai xây dựng những tuyến tàu cao tốc đầu tiên.
Trước đó vào năm 2023, sau 10 năm gián đoạn, hai nước đã mở lại tuyến tàu cao tốc chỉ chạy ban đêm ÖBB Nightjet với 3 chuyến/tuần và mất hơn 13 tiếng di chuyển. Cũng có nhiều lựa chọn khác di chuyển bằng đường sắt giữa hai thủ đô nhưng hành khách phải chuyển tàu nhiều lần.
Theo báo Euronews, hai công ty đường sắt quốc gia của Pháp và Đức là Socíeté Nationale des Chemins de fer Français (SNCF) và Deutsche Bahn (DB), đã hợp tác phục vụ hơn 30 triệu lượt hành khách đi lại giữa Pháp và Đức.