10 cách để nhận biết điện thoại bị hack hay không
Với sự phát triển của công nghệ, điện thoại không đơn thuần chỉ là thiết bị nghe gọi mà nó còn hỗ trợ công việc, giải trí… cho đến tài chính. Tuy nhiên sự tiện lợi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm thế nào để biết điện thoại bị hack hay không?
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), tội phạm mạng đã không ngừng nâng cấp kĩ năng tấn công, phương thức và thủ đoạn để lừa đảo người dùng. Không chỉ nhắm vào những lỗ hổng bảo mật, kẻ gian còn tấn công vào tâm lý, khai thác điểm yếu của người dùng, đặc biệt là trẻ em và những người lớn tuổi.
Sự trỗi dậy của AI đã tiếp tay cho tội phạm mạng tạo ra các tin nhắn lừa đảo hoặc lừa đảo tài sản. Điều này dẫn đến sự khó khăn cho người dùng trong việc phân biệt giữa lừa đảo và giao tiếp thông thường. Đây là lý do vì sao vai trò của các giải pháp bảo mật ngày càng trở nên quan trọng, ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nhận xét.
10 dấu hiệu cho thấy điện thoại của bạn đã bị hack
Dưới đây là một số dấu hiệu bất thường cho thấy điện thoại của bạn có thể đã bị hack.
Đầu tiên, một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất của việc bị tấn công là sự xuất hiện của các ứng dụng lạ mà bạn không hề tải xuống. Đây có thể là phần mềm độc hại được cài đặt nhằm theo dõi hoặc lấy cắp dữ liệu của bạn.
Tuy nhiên, không phải mọi ứng dụng không quen thuộc đều nguy hiểm, vì nhiều thiết bị thường đi kèm các ứng dụng "rác" được nhà sản xuất cài đặt sẵn. Điều quan trọng là bạn cần xác minh nguồn gốc ứng dụng và xóa ngay nếu phát hiện điều gì đáng ngờ.
Bên cạnh đó, nếu các quyền truy cập như camera, micro hay định vị bị bật mà bạn không cho phép, khả năng cao là điện thoại đã bị can thiệp bởi tin tặc. Những thay đổi này thường xảy ra ngầm và khó nhận biết, vì vậy việc kiểm tra định kỳ cài đặt quyền riêng tư là cần thiết để phát hiện kịp thời.
Hiệu suất điện thoại giảm mạnh hoặc pin cạn kiệt bất thường cũng là những dấu hiệu bạn không nên xem nhẹ. Các phần mềm độc hại thường hoạt động ngầm, sử dụng tài nguyên thiết bị để thực hiện các tác vụ như gửi dữ liệu về máy chủ từ xa hoặc chạy các đoạn mã độc. Điều này không chỉ khiến pin hao nhanh mà còn làm thiết bị nóng lên ngay cả khi bạn không sử dụng.
Nếu điện thoại của bạn thường xuyên nóng máy hoặc tụt pin nhanh dù chỉ hoạt động nhẹ nhàng, bạn nên nghi ngờ khả năng bị tấn công.
Không chỉ vậy, các cảnh báo về hoạt động đăng nhập bất thường trên tài khoản mạng xã hội hay email cũng là lời cảnh tỉnh mà bạn không nên phớt lờ. Khi tin tặc truy cập vào thiết bị, chúng có thể dễ dàng thử chiếm quyền kiểm soát tài khoản trực tuyến, không chỉ để lấy thông tin mà còn giả mạo danh tính bạn để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Một dấu hiệu khác nhưng không kém phần nguy hiểm là việc dữ liệu di động tăng đột biến. Nếu không có sự thay đổi trong thói quen sử dụng nhưng cước dữ liệu tăng cao bất thường, rất có thể các ứng dụng độc hại đang hoạt động ngầm. Tin tặc thường dùng cách này để thu thập và truyền dữ liệu từ điện thoại của bạn mà bạn không hề hay biết.
Cần làm gì nếu phát hiện điện thoại đã bị hack?
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, điều đầu tiên bạn cần làm là bình tĩnh và thực hiện các bước cơ bản để bảo vệ thiết bị.
Hãy bắt đầu bằng việc xóa các ứng dụng không quen thuộc và kiểm tra các cài đặt quyền riêng tư. Việc cài đặt một phần mềm diệt virus uy tín và quét toàn bộ thiết bị cũng là biện pháp cần thiết để xác định và loại bỏ các mối đe dọa.
Ngoài ra, bạn cần kiểm tra tài khoản Google hoặc Apple ID để xác định có thiết bị lạ nào đang đăng nhập hay không. Nếu phát hiện điều gì đáng ngờ, hãy xóa ngay các thiết bị này và đổi mật khẩu tài khoản. Đừng quên kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) để tăng cường lớp bảo vệ.
Sau khi thực hiện các biện pháp trên, bạn vẫn cần theo dõi tình trạng thiết bị và tài khoản trực tuyến trong một thời gian. Một cuộc tấn công mạng có thể để lại hậu quả lâu dài mà bạn khó phát hiện ngay lập tức.
Để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công trong tương lai, bạn hãy luôn cập nhật hệ thống và các ứng dụng lên phiên bản mới nhất. Các bản cập nhật không chỉ mang lại tính năng mới mà còn vá các lỗ hổng bảo mật giúp bảo vệ thiết bị của bạn.
Chỉ tải ứng dụng từ các nguồn chính thống như Google Play hoặc App Store. Việc tải xuống từ các nguồn không rõ ràng có thể khiến bạn vô tình cài đặt phần mềm độc hại. Đồng thời, hãy cảnh giác với các liên kết lạ trong email, tin nhắn hoặc trên mạng xã hội.
Cuối cùng, đừng quên bật các tính năng bảo mật bổ sung như khóa màn hình bằng mã PIN, vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt. Những biện pháp này tuy đơn giản nhưng có thể ngăn chặn những hành vi truy cập trái phép ngay từ đầu.