Robot phun thuốc bảo vệ thực vật hơn 20 triệu của sinh viên, tốc độ 100m/phút

Robot được nhóm sinh viên tạo ra có thể thực hiện nhiệm vụ phun thuốc chính xác, đồng đều và phát hiện diện tích cây trồng nhiễm bệnh, từ đó hỗ trợ người dân trong quá trình làm nông.

Robot phun thuốc bảo vệ thực vật là dự án của nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vừa đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp Đổi mới sáng tạo”. Dự án do Nguyễn Thanh Nghị, sinh viên năm 4 khoa Cơ - Điện cùng 6 sinh viên khác thực hiện.

Là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nghị cùng các bạn có cơ hội tiếp cận với các mô hình nông nghiệp truyền thống và hiện đại ở nhiều địa phương. Khát khao chinh phục những cánh đồng bằng các sản phẩm tự động hóa đã thôi thúc nhóm của Nghị nghiên cứu, chế tạo robot phục vụ nông nghiệp.

Ngay từ năm 2, nhóm đã lên ý tưởng để triển khai chế tạo. Nghị cho biết khi đi thực tế, cả nhóm nhận thấy mô hình canh tác trong nhà màng, nhà lưới có nhiều ưu điểm như các luống được bố trí kích thước theo đúng kỹ thuật trồng, rãnh luống không ngập nước, điều kiện thời tiết đảm bảo... có thể s dụng nhiều biện pháp kỹ thuật công nghệ cao.

Ngoài ra trước đó, trong các buổi hội thảo, seminar chuyên môn của thầy cô, Nghị cũng có cơ hội tiếp cận với các mô hình nông nghiệp hiện đại từ một số nước tiên tiến trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu ra sản phẩm máy phun thuốc, robot thu hoạch, robot theo dõi sâu bệnh trên cây trồng...

Nghị ấn tượng với sản phẩm máy phun thuốc nhưng cho rằng nó vẫn còn hạn chế, chẳng hạn chưa thể điều chỉnh góc phun, tốc độ hay lưu lượng phun. Vì vậy, nam sinh mong muốn tạo ra sản phẩm cải tiến hơn và có thể tích hợp camera AI.

Thanh Nghị (thứ 4 từ trái sang) cùng các thành viên trong nhóm. (Ảnh: NVCC)

Thanh Nghị (thứ 4 từ trái sang) cùng các thành viên trong nhóm. (Ảnh: NVCC)

Trải qua nhiều lần thử nghiệm nghiên cứu, chế tạo, nhóm đã tạo ra robot phun thuốc bảo vệ thực vật gồm 5 bộ phận chính: bộ điều khiển, bộ nguồn, hệ thống camera AI, hệ thống bơm, hệ thống chuyển động.

Robot này sử dụng công nghệ bản đồ, la bàn số, định vị GPS giúp di chuyển tự động, linh hoạt không cần người điều khiển. Bên cạnh đó, robot có thể xoay 360 độ tại chỗ để hoạt động trong nhà kính với diện tích quay đầu nhỏ. Với hệ thống phun thông minh, robot có thể điều chỉnh được lưu lượng, tốc độ và áp suất phun.

Ngoài ra, với một số loại cây tán mỏng, nhờ công nghệ xử lý ảnh AI thông minh, robot có thể phát hiện diện tích cây trồng nhiễm bệnh, từ đó chủ động điều chỉnh góc phun, tăng hoặc giảm lưu lượng phun.

Sản phẩm này sau đó đã được thử nghiệm tại Viện công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Khi ứng dụng thực tế, robot có thể phun 100m/phút, phun cùng lúc 3 luống và bình chứa thuốc có thể phun liên tục hơn 1ha.

“Kỹ thuật này sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí chăm sóc trên cây trồng với quy mô lớn”, Nghị nói.

Robot phun thuốc bảo vệ thực vật của nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Robot phun thuốc bảo vệ thực vật của nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Với lợi thế là sinh viên Nông nghiệp, nhóm có nhiều cơ hội thử nghiệm và xin góp ý về kỹ thuật canh tác, trồng rau màu từ các chuyên gia và thầy cô. Ngoài ra, các thành viên tham gia dự án đều đến từ những chuyên ngành Điều khiển và tự động hóa, Cơ điện tử, Kỹ thuật Cơ khí, vì thế đã áp dụng được nhiều kiến thức vào việc chế tạo robot.

Sản phẩm của nhóm được ban giám khảo cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp Đổi mới sáng tạo” đánh giá cao về chất lượng, tính sáng tạo và khả năng phát triển, tuy nhiên vẫn cần một số cải tiến để đưa sản phẩm này ứng dụng vào thực tế.

Nhóm cho biết đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hơn, phù hợp từng điều kiện và mục tiêu sử dụng, đáp ứng đa dạng môi trường làm việc. Trong thời gian tới, cùng với sự khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thiện sản phẩm từ chuyên gia, nhóm tiếp tục đưa robot thử nghiệm trên những cánh đồng lớn tại các hợp tác xã nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhóm đang lên kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường. Nhóm dự kiến giá thành mỗi sản phẩm khoảng 20-29 triệu đồng, tùy phiên bản và theo số lượng yêu cầu của khách hàng.

“Với khát vọng khởi nghiệp áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, chúng em kỳ vọng sẽ tạo ra sản phẩm giúp nông dân đổi mới phương thức sản xuất, tối ưu hóa quy trình, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp”, Thanh Nghị nói.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/robot-phun-thuoc-bao-ve-thuc-vat-hon-20-trieu-cua-sinh-vien-toc-do-100m-phut-2360259.html
Zalo