Tất bật làng cá cảnh vào vụ Tết

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, những ngày này tại một số các làng cá cảnh “truyền thống” trên địa bàn tỉnh không khí đã rất nhộn nhịp. Sáng, chiều 2 lượt, thương lái ra tận các bể, ao nuôi cá cảnh chọn cá, “đặt” trước các giống cá phục vụ nhu cầu lễ ông Công, ông Táo và chơi Tết. Mùa “làm ăn” bận rộn nhất trong năm của những người nuôi cá cảnh đã đến.

Anh Phan Văn Sơn chăm sóc đàn cá cảnh của gia đình.

Anh Phan Văn Sơn chăm sóc đàn cá cảnh của gia đình.

Khoảng 20 năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu chơi cá cảnh của người dân trên địa bàn tỉnh, người nuôi cá xóm Kim, xã Mỹ Thắng (thành phố Nam Định) đã chuyển từ nuôi cá thịt sang nuôi các loại cá cảnh. Thời gian đầu, họ nuôi cá chép cảnh, cá tam dương ngũ sắc, cá vàng bốn đuôi… Khoảng 6-7 năm trở lại đây, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân xóm Kim tập trung vào nuôi các giống cá có giá trị kinh tế cao hơn là cá Koi và cá rồng. Theo ước tính của các hộ nuôi cá cảnh xóm Kim, tỷ lệ người nuôi cá Koi trong xóm chiếm khoảng 80%. Đối với mỗi loại cá, người nuôi áp dụng chế độ chăm sóc, kích thích cá sinh sản khác nhau. Cụ thể, đối với các loại cá tam dương ngũ sắc, chép cảnh, các hộ nuôi có thể tự nhân giống bằng cách bán cho nhau. Riêng đối với cá vàng bốn đuôi, phải mua giống từ thành phố Hải Phòng. Cá cảnh nói chung sau khi đẻ trứng 3, 4 ngày thì thành cá con. Lúc này thức ăn của cá là trứng luộc nghiền nát hòa với nước. Giai đoạn tiếp theo người nuôi cá nghiền bột gạo nấu loãng pha thêm nước thành thức ăn cho cá. Cá được 1 tuần tuổi thì lấy cám vịt, cám lợn ngâm cho nở hòa với nước làm mồi cho cá. Khi cá được 20 ngày tuổi trở lên thì mua cám hạt to làm thức ăn. Đối với chép cảnh, quy trình nuôi, sinh sản kỳ công hơn, phải bắt từng cặp bố mẹ lên để tiêm thuốc kích thích cho cá đẻ đồng loạt. Quá trình nuôi cá, các hộ nuôi cá cảnh ở xóm Kim còn rất cẩn thận, sử dụng riêng biệt các dụng cụ cho các ao nuôi khác nhau, tránh gây sốc cá. Tháng 2, tháng 3 hàng năm là thời điểm các loại cá cảnh vào mùa sinh sản. Để giúp cá sinh sản tốt, các hộ gia đình sục nước trong ao, té nước vôi loãng và cho cá ăn thuốc tỏi phòng thối mang cá.

Thu hoạch cá tại gia đình anh Phan Văn Sơn.

Thu hoạch cá tại gia đình anh Phan Văn Sơn.

Quyết tâm khởi nghiệp từ nuôi cá Koi, gia đình anh chị Phan Văn Sơn, xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) đã xây dựng được mô hình nuôi cá Koi cho hiệu quả kinh tế cao. Để nuôi và “thuần hóa” được giống cá này, anh Sơn đã đầu tư số vốn ban đầu khá lớn mua cá giống, làm lồng nuôi trên sông. Anh Sơn cho biết, nuôi cá Koi trong lồng trên sông đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật hơn nuôi trong bể. Theo đó, phải thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước nhằm đưa ra những phương án xử lý kịp thời; đặc biệt chú ý vào thời điểm giao mùa hoặc mỗi khi mưa lũ, nước sông có phù sa, cá thường kém ăn, mắc các bệnh như: tróc vẩy, nhiễm khuẩn, bọ rùa, sâu móc. Bên cạnh đó, người nuôi cũng phải quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của cá để giúp cá phát triển ổn định vào mỗi thời kỳ tăng trưởng từ cá bột đến cá trưởng thành. Cần đặc biệt lưu ý một số yếu tố như tránh thay đổi môi trường sống đột ngột sẽ làm cá chết do sốc nhiệt; duy trì độ pH ổn định… Hiện, gia đình anh Sơn có 12 lồng nuôi, mỗi lồng rộng 54m2 nuôi được hơn 5.000 cá Koi các loại. Bằng kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm kết hợp với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho cá, những ao nuôi cá cảnh trên địa bàn thành phố Nam Định đều cho năng suất cao.

Phân loại cá cảnh.

Phân loại cá cảnh.

Thời điểm hiện tại, với giá bán các loại cá Koi Nhật dao động từ 5-10 triệu đồng/con, cá Koi Việt từ 150-500 nghìn đồng/kg, cá vàng đầu lân từ 10-50 nghìn đồng/đôi, cá chép đuôi dài từ 100-200 nghìn đồng/kg, cá tam dương từ 100-120 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi ngày hộ nuôi cá cảnh có thể bán được vài chục cân cá. Đặc biệt, trước lễ ông Công, ông Táo khoảng 1 tuần, hộ nhiều có thể xuất bán tới 1-2 tạ cá/ngày. Cá cảnh của hộ nuôi hiện được bán cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… và một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam như: Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… Hàng năm, từ nghề nuôi cá cảnh, sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi cá thu về từ 120-200 triệu đồng. Đối với hộ gia đình chị Trang, từ năm 2017, sản lượng cá Koi của gia đình xuất bán ra thị trường đã đạt hơn 20 tấn, cung ứng hơn 100 vạn con cá Koi giống mỗi năm, lợi nhuận thu được đạt trên 2 tỷ đồng/năm.

Người dân xã Mỹ Trung, Mỹ Thắng (thành phố Nam Định) tất bật đánh bắt cá chuẩn bị phục vụ khách hàng cho dịp cuối năm.

Người dân xã Mỹ Trung, Mỹ Thắng (thành phố Nam Định) tất bật đánh bắt cá chuẩn bị phục vụ khách hàng cho dịp cuối năm.

Trên những vùng đất chuyển đổi rộng lớn ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ Tân, bằng sự năng động, sáng tạo, nhiều hộ gia đình đang phát triển thành công mô hình nuôi cá cảnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định, hướng phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202412/tat-batlang-ca-canhvao-vu-tet-9d47e2c/
Zalo